Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/11 đã bác khả năng nối lại đàm phán với Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng còn tiếp tục tiến hành các hoạt động quan trọng trong chương trình hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (trái) và Thư ký báo chí Nhà trắng Jay Carney. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài phát biểu về các chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Georgetown ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice, cho biết một trong những mục tiêu an ninh "cấp thiết nhất" của Washington là giảm mối đe dọa bắt nguồn từ các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Theo bà, "để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẵn sàng đàm phán miễn là họ chân thành và đáng tin cậy, công khai toàn bộ chương trình hạt nhân, đồng thời có những bước đi thiết thực và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa... Bình Nhưỡng nỗ lực tham gia đối thoại trong khi vẫn duy trì các hoạt động trong chương trình hạt nhân của mình là điều không thể chấp nhận được".
Cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ cho biết nước này đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán đa phương bị đình trệ bấy lâu nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời báo giới sau bữa tối với Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Glyn Davies đang ở thăm Bắc Kinh, ông Vũ Đại Vĩ cho rằng "còn quá sớm để dự đoán về tương lai". Khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng đã thay đổi quan điểm ngoại giao hay chưa, ông Vũ Đại Vĩ chỉ đáp "mỗi bên có quan điểm khác nhau".
Về phần mình, Glyn Davies nói rằng ông đã có "cuộc thảo luận hoàn hảo" với ông Vũ Đại Vĩ, đồng thời cho biết thêm cũng sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong ngày 21/11. Khi được hỏi liệu ông đã đạt được thoả thuận nào với phía Trung Quốc hay chưa, ông Davies trả lời: "Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận".
Trong một động thái khác vào ngày 20/11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phản đối việc Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết yêu cầu Bình Nhưỡng cải thiện tình hình nhân quyền của nước này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn của bộ trên cho biết Triều Tiên "cực lực lên án một nghị quyết như LHQ đã từng làm trước đây".
Trước đó cùng ngày, nghị quyết do Nhật Bản và Liên minh châu Âu đề xuất nói trên đã được Ủy ban thứ 3 của Đại Hội đồng LHQ thông qua tại New York. Nghị quyết buộc Triều Tiên phải giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản và những nước khác cũng như hàng loạt vi phạm khác. Đây là năm thứ 9 liên tiếp nghị quyết này được thông qua.
Trong một diễn biến khác, tờ "Chosun Ilbo" ngày 21/11 đưa tin kể từ đầu tháng tới nay, Trung Quốc đã cho hồi hương 22 người Triều Tiên đào tẩu bị bắt giữ tại nước này.
TN (Theo THX, Kyodo)