Mỹ, Anh, Pháp đề nghị HĐBA LHQ điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria

Ngày 14/4, chỉ vài giờ sau khi tiến hành không kích Syria, Mỹ, Pháp và Anh đã tìm cách mở một cuộc điều tra mới vào vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta của Syria.

Cảnh đổ nát tại Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Barzeh, ngoại ô phía đông bắc Damascus sau cuộc tấn công của Mỹ - Anh - Pháp ngày 14/4. Ảnh: THX/TTXVN

Ba nước đồng minh đưa ra một dự thảo nghị quyết chung tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó kêu gọi chuyển hàng viện trợ nhân đạo mà không bị cản trở, thực thi lệnh ngừng bắn được thông qua vào tháng 2 vừa qua, và yêu cầu Syria tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ chủ trì.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công tại Syria với mục đích xác nhận thủ phạm. Nghị quyết này sẽ đề nghị Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) báo cáo lại trong 30 ngày về việc liệu Syria có hoàn toàn công khai kho vũ khí hóa học hay không.

Phương Tây đã cáo buộc Syria không tuân thủ cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hóa học theo thảo thuận đạt được giữa Nga và Mỹ vào năm 2013, bất chấp việc Damascus nhiều lần bác bỏ điều này.

Các cuộc thảo luận về dự thảo nghị quyết này dự kiến bắt đầu ngày 16/4, song các nhà ngoại giao cho biết hiện chưa rõ khi nào HĐBA sẽ bỏ phiếu về đề xuất trên.


Động thái ngoại giao này diễn ra sau khi Nga triệu tập cuộc họp tại HĐBA nhằm lên án hành động tấn công quân sự vào Syria. Tuy nhiên, chỉ có 3 trong tổng số 15 nước thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Moskva, trong khi có 8 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Để được thông qua, một nghị quyết cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ với điều kiện là không có nước nào trong số các nước ủy viên thường trực của HĐBA gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, bỏ phiếu chống.
 
TTXVN/Báo Tin tức
Điều tra vũ khí hóa học ở Douma, Syria ra sao sau trận không kích?
Điều tra vũ khí hóa học ở Douma, Syria ra sao sau trận không kích?

Phái đoàn thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) đã đặt chân tới Syria ngày 14/4, khi vừa đêm trước đó, các thành phố Syria hứng hơn 100 quả tên lửa từ chiến dịch không kích phối hợp của liên quân Mỹ, Anh, Pháp. Công việc của họ giờ đây sẽ diễn ra như thế nào và có ý nghĩa ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN