Theo nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Journal of Haematology của Anh, trường hợp người đàn ông trên đã phát hiện bị ung thư với các khối u trên khắp cơ thể không lâu trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải điều trị tại bệnh viện 11 ngày. Đáng chú ý là khoảng 4 tháng sau khi khỏi bệnh COVID-19, các khối u trên cơ thể của ông cũng biến mất.
Tiến sĩ Jonathan Friedberg thuộc Trung tâm Y tế của Đại học Rochester (Mỹ) cho rằng ông không chắc chắn 100%, nhưng đối với một số loại ung thư hạch, đã có những trường hợp bệnh tự thuyên giảm và tự khỏi. Nhưng ở trường hợp của người đàn ông nói trên, bệnh ung thư hạch nặng hơn và khả năng thuyên giảm hay tự khỏi sẽ hiếm gặp hơn. Các tác giả của nghiên cứu trên cũng cho rằng những phản ứng nhất định của hệ miễn dịch sau khi virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể cho thấy nó cũng có thể đẩy lùi những tế bào "không được chào đón" khác.
Nghiên cứu trên đã phân tích quá trình phản ứng của hệ miễn dịch được cho là độc nhất của cơ thể khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, và quá trình này có thể đã tác động sâu rộng trên khắp cơ thể, đồng thời gây ra cái gọi là "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch bị kích thích quá mức. Theo Tiến sĩ Friedberg, phản ứng quá mức này có thể kích thích khả năng miễn dịch không đặc hiệu khác, dẫn đến sốt và nhiều triệu chứng khó chịu khác, điều này càng khiến cơ thể giải phóng ra một lượng cytokine rất cao có thể tác động trực tiếp đến các tế bào ung thư.
Theo Tiến sĩ Friedberg, phát hiện trên có thể là tiền đề cho những nghiên cứu giúp điều trị bệnh ung thư. Mặc dù vậy, phần lớn các bệnh nhân ung thư vẫn có lý do để quan ngại trước COVID-19 vì đại dịch này đã gây tỷ lệ tử vong cao ở nhóm đối tượng này. Ở các thời điểm đỉnh dịch COVID-19, hệ thống y tế đã bị quá tải khiến nhiều bệnh viện phải từ chối bệnh nhân ung thư để tập trung điều trị những người mắc COVID-19.