Trụ sở Đài phát thanh châu Âu tự do. Ảnh: AP |
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Nga, trong 2 ngày 15-16/11, Bộ Tư pháp Nga đã gửi thư đến Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), Đài phát thanh châu Âu tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty), và một số cơ quan truyền thông đại chúng khác, để thông báo việc đưa các tổ chức này vào danh sách cơ quan đại diện nước ngoài tại Nga theo luật sửa đổi được Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua ngày 15/11. Dự kiến, luật sửa đổi này sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Cơ quan báo chí nước ngoài nào nằm trong quy chế này sẽ phải chịu những hạn chế và nghĩa vụ như các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Nga và sẽ phải chịu trách nhiệm như các tổ chức trên khi vi phạm pháp luật. Các sửa đổi mới được đưa vào dự luật về quyền phong tỏa không qua tòa án các trang web của các tổ chức bị cấm tại Nga.
Tuy nhiên, luật sửa đổi trên còn phải được Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga xem xét thông qua vào ngày 22/11 tới và sau đó cần được Tổng thống Valdimir Putin ký ban hành thành luật. Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp Nga đã bắt đầu gửi thông báo đến các cơ quan thông tin đại chúng nước ngoài để thông báo rằng họ có thể bị trừng phạt theo luật mới của Nga.
Phó Chủ tịch Đuma quốc gia Nga Petr Tolstoi khẳng định việc ra luật mới là quyết định Nga buộc phải thực hiện, nhằm cho phép cơ quan hành pháp Nga áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng đối với những nước, nơi tự do hành động và ngôn luận của các nhà báo Nga bị xâm phạm. Theo ông Tolstoi luật mới sẽ “không ảnh hưởng đến tự do ngôn luận”.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu kênh truyền hình RT của Nga phải đăng ký làm đại diện nước ngoài tại Mỹ trước ngày 13/11. Kênh này đã thực hiện yêu cầu của phía Mỹ, nhưng Tổng biên tập Margarita Simonian cho rằng yêu cầu trên mang tính phân biệt đối xử và Moskva sẽ có hành động đáp trả.