Theo CNN, lý do khiến Moody’s đưa ra động thái trên có liên quan đến những rủi ro tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn và liên tục, cũng như những rắc rối đang diễn ra trong ngành bất động sản của Trung Quốc.
Việc hạ thấp triển vọng không đồng nghĩa rằng cơ quan xếp hạng này sẽ hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc, nhưng làm tăng thêm khả năng xảy ra kịch bản trên.
Moody's cho biết sự thay đổi này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang thiếu tiền mặt, qua đó gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.
Moody’s đã cảnh báo triển vọng của Trung Quốc đang xấu đi vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với nhiều vấn đề.
Nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng của Trung Quốc, vốn là một trong những tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất trong lịch sử so với những nền kinh tế lớn, đã được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ của thị trường nhà ở do dân số và đô thị hóa gia tăng.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản cực kỳ quan trọng và chiếm tới 30% nền kinh tế này đã rơi vào khủng hoảng hơn hai năm trước, sau khi chính phủ tiến hành thắt chặt hoạt động vay mượn của các nhà phát triển bất động sản. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng suy thoái bất động sản có thể sẽ kéo dài, cản trở triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều năm.
Một mối quan tâm lớn khác là tình trạng nợ tăng vọt của các chính quyền địa phương, chủ yếu do doanh thu giảm mạnh vì giá bất động sản sụt giảm, cũng như tác động kéo dài của việc áp dụng lệnh phong tỏa chống COVID-19.
Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn. Các công ty lớn trong ngành “ngân hàng ngầm” trị giá 3.000 tỷ USD của Trung Quốc – lĩnh vực đóng góp nguồn tài chính quan trọng trong nước – đang phải đối mặt với những rắc rối tài chính ngày càng gia tăng, một phần do họ gặp phải những khoản đầu tư bất động sản thất bại.
Hơn nữa, Trung Quốc còn đối mặt với tình trạng suy giảm dân số trong dài hạn. Tỷ lệ sinh của quốc gia này thậm chí còn thấp hơn Nhật Bản, một quốc gia từ lâu đã già hóa. Đầu năm nay, Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy dân số nước này bắt đầu giảm vào năm 2022, lần đầu tiên sau sáu thập kỷ.
Suy giảm nguồn cung lao động, chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng lên có thể dẫn đến thâm hụt tài chính rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn. Lực lượng lao động thu hẹp hơn cũng có thể làm xói mòn nguồn tiền tiết kiệm trong nước, dẫn đến lãi suất cao hơn và đầu tư giảm.
Moody's dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4% trong cả năm 2024 và 2025, và trung bình 3,8% một năm từ năm 2026 đến năm 2030. Các yếu tố cơ cấu, bao gồm nhân khẩu học yếu hơn, có thể khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm xuống khoảng 3,5% vào năm 2030.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng đạt khoảng 5% trong năm nay.
Moody's vẫn giữ xếp hạng A1 dài hạn đối với trái phiếu chính phủ của Trung Quốc. Cơ quan này cho biết: “Việc khẳng định xếp hạng A1 phản ánh nguồn lực tài chính và thể chế của Trung Quốc để quản lý quá trình chuyển đổi một cách có trật tự. Quy mô nền kinh tế lớn và tốc độ tăng trưởng tiềm năng mạnh mẽ, mặc dù đang chậm lại, nhưng sẽ hỗ trợ khả năng vượt qua khó khăn của nước này”.
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 5/12 đã bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định hạ triển vọng tín dụng của Moody’s. “Nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang phát triển chất lượng cao, các động lực tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc đang có hiệu lực và Trung Quốc có khả năng tiếp tục cải cách sâu rộng cũng như ứng phó với các rủi ro và thách thức”, cơ quan này tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng những lo ngại của Moody's về triển vọng tăng trưởng và tính bền vững tài chính của đất nước là “không cần thiết”.