Theo CNN (Mỹ), bốn hãng hàng không lớn nhất Mỹ là American, Delta, United và Southwest có trong tay 31,5 tỷ USD sau khi kết thúc năm đại dịch 2020. Con số này tăng 13 tỷ USD so với năm trước khi có COVID-19.
Kể cả tiền mặt và hạn mức tín dụng chưa sử dụng, các hãng hàng không có thể tiếp cận gần 65 tỷ USD. Ông Philip Baggaley, nhà phân tích tín dụng ngành hàng không tại hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s nhận định: “Thanh khoản đang ở mức kỷ lục. Điều này tốt và đó là một trong vài điểm mạnh ít ỏi mà ngành hàng không có tại thời điểm này”.
Các hãng hàng không nhận được hỗ trợ tài chính đáng kể từ chính phủ liên bang, nhưng phần lớn số tiền này phải được sử dụng để chi trả lương cho nhân viên.
Số tiền lớn mà các hãng hàng không được tiếp cận tới từ ngân hàng và Phố Wall. Có rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ ngành hàng không về tiền bạc. Các hãng đã bán trái phiếu, vay tiền, thế chấp máy bay và các tài sản khác, thậm chí bán thêm cổ phần. Đây là động thái bất thường với một ngành ở vị thế này.
Tiền vay mượn đã khiến các hãng hàng không Mỹ có thêm 40 tỷ USD nợ dài hạn. Ông Baggaley nói: “Lãi suất thấp đã giúp hàng không vì các nhà đầu tư và ngân hàng muốn kiếm lời sẵn sàng cho các hãng hàng không vay tiền”.
Ngành hàng không đã cắt giảm chi phí sâu, cho dù chính phủ hỗ trợ tài chính với yêu cầu không được cắt giảm việc làm vĩnh viễn và trái ý muốn của nhân viên.
Các hãng đã sử dụng biện pháp như cho nghỉ hưu sớm để cắt giảm 16% số lượng nhân viên hiện có vào đầu năm 2021. Trong những tuần gần đây, hãng American và United đã gửi thông báo sa thải tới 27.000 nhân viên và cho biết có thể cho nhân viên nghỉ không lương trừ khi có hỗ trợ của chính phủ lần thứ ba trước ngày 1/4.
Nhiều nhân viên đã bị sa thải hồi tháng 10/2020 khi các hãng hàng không tiêu hết tiền hỗ trợ liên bang lần đầu. Họ đã được gọi trở lại làm việc vào tháng 12/2020 khi có gói giải cứu lần thứ 2 trị giá 17 tỷ USD. Tuần trước, các nghiệp đoàn hàng không đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói giải cứu lần ba để giúp nhân viên ngành này không bị sa thải.
Cắt giảm chi phí đã giúp các hãng giảm một nửa chi tiêu từ quý II tới quý VI năm 2020. Tuy nhiên, ngay cả khi giảm chi phí, bốn hãng hàng không nói trên cũng tiêu 115 tỷ USD/ngày trong 9 tháng cuối năm 2020. Các hãng sẽ tiếp tục phải chi tiêu nhưng với tốc độ chậm hơn nửa đầu năm 2021.
Lãnh đạo các hãng hàng không cho biết xây dựng dự trữ tiền mặt đáng kể là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng tài chính chưa từng có tiền lệ này.
Tổng giám đốc điều hành hãng American Doug Parker nói: “Ngành chúng tôi vẫn còn chặng đường dài mới có thể hồi phục”. Ông cho biết tổng số tiền tích lũy cộng với cắt giảm chi phí sẽ giúp họ tự tin hơn trong năm nay và về lâu dài.
Với dòng tiền mặt tương đối trong tay, các hãng hàng không hy vọng họ có thể tránh cảnh phá sản. Tuy nhiên, điều đó vẫn tùy thuộc vào việc khi nào ngành này khôi phục trở lại và ngay cả các hãng hàng không cũng không thể biết đó là lúc nào.
Ông Parker nói: “Tôi có dữ liệu 10 tháng liền nói rằng người dân sẵn sàng đi máy bay sau 6 tháng nữa. Điều tôi tin rằng một khi hành khách thoải mái với việc bay thì nhu cầu sẽ trở lại tương đối nhanh… Nhưng không ai sẽ đi máy bay cho tới khi có cái gì đó để làm, cho tới khi vaccine được phân phối và cho tới khi đại dịch được loại trừ phần lớn”.
Ông Baggaley thì cho rằng ngành hàng không đã vượt qua thời gian tệ nhất. Chưa hãng nào phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản và ông cho rằng sẽ không có tình trạng đó xảy ra.
Dù vậy, trong khi một loạt công ty ngành bán lẻ nộp đơn phá sản chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau khủng hoảng, thì các hãng hàng không thường chỉ nộp đơn phá sản vài năm sau khủng hoảng tài chính. Đó là lo ngại có lý vì họ sẽ bước ra khỏi khủng hoảng COVID-19 với rất nhiều nợ trong tay.