Máy bay dân dụng lớn nhất thế giới bay ‘không khách’ để giữ bằng lái cho phi công

Nhiều hãng hàng không đang phải thực hiện biện pháp cực đoan để tồn tại trong đại dịch COVID-19. Trong đó, các nhà điều hành sở hữu những chiếc máy bay dân dụng lớn nhất thế giới A380, đang rơi vào tình thế khó xử.

Chú thích ảnh
Một chiếc máy bay A380 của Hãng hàng không Asiana Airlines trên đường băng ở Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, Asiana Airlines - hãng hàng không Hàn Quốc, sở hữu những chiếc máy bay dân dụng lớn nhất thế giới - đã phải thực hiện hơn 20 chuyến bay không khách để giữ bằng lái cho các phi công tập sự.

Việc duy trì trạng thái sẵn sàng bay cho phi hành đoàn là một trong những thách thức mà các hãng hàng không đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng chưa từng có. Điều này khiến hơn 1/3 số máy bay trên thế giới phải "nằm im" nhiều tháng liền trên mặt đất.

Hồi tháng 5, chiếc Airbus SE A380 đã phải bay trên không phận của Hàn Quốc vài giờ mỗi ngày, lặp lại trong 3 ngày liên tiếp, để các phi công điều khiển chiếc máy bay 495 chỗ ngồi này có cơ hội thực hành việc cất cánh và hạ cánh.

“Việc cất cánh và hạ cánh tốn rất nhiều chi phí. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mỗi khoản chi đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Asiana đang rơi vào tình trạng khốn đốn, vì họ cũng không thể xoay sở nếu phi công của họ bị tước bằng lái vì nghỉ bay quá lâu”, ông Um Kyung-a, một nhà phân tích tại công ty Shinyoung Securities có trụ sở tại Seoul, cho biết.

Asiana có 135 phi công không đáp ứng đủ giờ bay trên 6 chiếc A380 của hãng. Tuy nhiên, họ cũng không có khả năng duy trì bay không hành khách. Cuối cùng, Bộ Giao thông Hàn Quốc buộc phải quyết định gia hạn chứng chỉ bay của các phi công vì lý do đại dịch.

Hãng hàng không All Nippon Airways của Nhật Bản, nhà điều hành 2 chiếc A380, cũng đã nhận được sự miễn trừ tương tự từ phía chính phủ của mình.  

Hầu hết những nhà điều hành máy bay thương mại lớn A380 như Asiana, Korean Air, đều có bộ mô phỏng hành trình bay cho phép phi công thực hành trong thời gian nghỉ dịch.

Chú thích ảnh
Bộ mô phỏng máy bay A380 của Korean Air. Nguồn: Korean Air.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đưa ra chỉ dẫn nhằm hỗ trợ phi công duy trì kỹ năng điều khiển máy bay trong thời gian khủng hoảng này. Thông thường, các phi công phải thực hiện đủ ba lần cất cánh và hạ cánh trong vòng 90 ngày gần nhất để giữ giấy phép lái máy bay.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán tình hình giao thông hàng không sẽ chỉ có thể trở lại trạng thái bình thường như thời điểm đại dịch chưa bùng phát vào năm 2024.

Chỉ còn một số ít hãng hàng không đang khai thác máy bay A380 là Emirates Airlines, một trong những hàng sở hữu chiếc máy bay phản lực thân rộng lớn nhất thế giới. Hãng hàng không này đã ngay lập tức hoạt động lại các chuyến bay A380 từ hôm 15/7 khi Dubai nới lỏng các hạn chế đi lại.

Trong khi đó, vào tháng trước, hãng hàng không quốc gia Deutsche Lufthansa AG của Đức cho biết những chiếc phi cơ A380 của họ sẽ phải tạm dừng hoạt động trong ít nhất 2 năm và có thể không bao giờ được khai thác trở lại. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, nhu cầu khai thác thấp đã khiến Airbus tuyên bố sẽ ngừng sản xuất A380 vào năm tới.

Chú thích ảnh
Hai chiếc máy bay Airbus SE A380-800, do Emirates khai thác, tại Sân bay Quốc tế Dubai hôm 18/5. Ảnh: Bloomberg

“Điều này cơ bản giống như khi bạn bị mắc kẹt trong một chiếc xe đời cũ chạy bằng động cơ diesel. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy những chiếc máy bay này trong bãi phế liệu”, ông Shukor Yusof, nhà sáng lập công ty tư vấn hàng không Endau Analytics tại Malaysia, cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lý do các hãng hàng không duy trì 'bay không khách' giữa mùa dịch
Lý do các hãng hàng không duy trì 'bay không khách' giữa mùa dịch

Các quy định gây tranh cãi đang buộc các hãng hàng không châu Âu phải duy trì những chuyến bay trống không trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ủy ban châu Âu ngày 10/3 tuyên bố sẽ can thiệp nhằm ngăn chặn những chuyến bay tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN