Máy bay của hãng MNG Jet bị sử dụng trái phép để đưa ông C.Ghosn bỏ trốn

Hãng máy bay tư nhân MNG Jet của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/1 khẳng định máy bay của hãng đã bị sử dụng bất hợp pháp để đưa cựu Chủ tịch hãng chế tạo ô tô Nissan Motor của Nhật Bản - ông Carlos Ghosn bỏ trốn khỏi Nhật Bản. 

Chú thích ảnh
Cảnh sát áp giải cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn (giữa) rời khỏi khu giam giữ ở Tokyo, sau khi ông được trả tự do có bảo lãnh, ngày 25/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, hãng MNG Jet nêu rõ: "MNG Jet đã đệ đơn khiếu nại hình sự, liên quan việc sử dụng trái phép dịch vụ cho thuê máy bay của hãng này nhằm đưa ông Carlos Ghosn trốn khỏi Nhật Bản. Trong tháng 12/2019, MNG Jet đã cho hai khách hàng thuê hai máy bay cá nhân khác nhau...

Một máy bay cá nhân đi từ Dubai đến Osaka và từ Osaka tới Istanbul, trong khi chiếc còn lại đi từ Istanbul đến Beirut. Hai hợp đồng thuê phương tiện này dường như không có sự liên quan với nhau". Theo hãng MNG Jet, một trong những nhân viên của hãng này thừa nhận đã làm sai lệch các hồ sơ để loại trừ tên Carlos Ghosn khỏi các hợp đồng thuê máy bay nêu trên mà MNG Jet không hề hay biết.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết ông Ghosn đã bị một camera an ninh ghi lại hình ảnh khi ông rời khỏi nhà ở Tokyo vào trưa 29/12 và từ đó không quay trở lại. Ông Ghosn được cho là đã lên một máy bay riêng cùng ngày, di chuyển từ sân bay Kansai ở miền Tây Nhật Bản tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). 

Trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 3/1, cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor khẳng định ông đã tự mình lên kế hoạch rời Nhật Bản đến Liban, theo đó phủ nhận gia đình ông dính líu đến việc này. Hãng tin AFP của Pháp dẫn một tuyên bố của ông Ghosn nêu rõ: "Những thông tin truyền thông cho rằng vợ tôi và những người khác trong gia đình tôi có vai trò trong việc tôi rời Nhật Bản đều không đúng. Một mình tôi thu xếp việc ra đi này".

Ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản). Tháng 11/2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân.

Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh với điều kiện không được rời khỏi Nhật Bản. Tòa án Tokyo dự kiến bắt đầu xét xử ông vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, ngày 29/12/2019, ông Ghosn đã bất ngờ trốn khỏi Nhật Bản để sang Liban, quá cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Hiện Bộ Tư pháp Liban đã nhận được Lệnh truy nã Đỏ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đối với ông Ghosn. Nhà chức trách Liban dự kiến sẽ thẩm vấn ông Ghosn trong tuần tới về các cáo buộc như nhà chức trách Nhật Bản đưa ra đối với ông này.

Thanh Phương (TTXVN)
5 câu hỏi lớn quanh vụ đào thoát của cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn
5 câu hỏi lớn quanh vụ đào thoát của cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn

Bị quản chế tại Nhật Bản, cựu Chủ tịch tập đoàn ô tô Nissan, Carlos Ghosn đã thực hiện một cuộc đào thoát ngoạn mục chẳng khác gì một điệp vụ trong phim James Bond 007.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN