Mắt sinh học cho người thoái hóa võng mạc

Mắt sinh học Argus II làm nhen nhóm trong cụ Elias Konstantopoulos (72 tuổi, người Mỹ gốc Hy Lạp) niềm hy vọng một ngày nào đó được nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của đứa cháu trai 18 tháng tuổi.

Argus II có thể khôi phục lại tầm nhìn cho những người bị mù do bệnh thoái hóa võng mạc.

Cụ Konstantopoulos kể lại quãng thời gian 30 năm buồn thảm khi thị lực của cụ dần suy giảm và cuối cùng rơi vào cảnh mù lòa: “Năm 43 tuổi khi đang làm nghề thợ điện, tôi phát hiện thị lực của mình giảm sút rõ rệt. Tôi đã đeo thử kính lão của một người họ hàng và nhìn thấy mọi vật rõ hơn rất nhiều. Ngay sau đó, tôi tìm đến bác sĩ nhãn khoa để khám. Bác sĩ kiểm tra đôi mắt của tôi và chẩn đoán tôi mắc chứng retinitis pigmentosa (bệnh mắt do di truyền ảnh hưởng đến võng mạc, bệnh ngày càng nặng dần rồi dẫn đến mù lòa). Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác như rơi xuống địa ngục khi nghe bác sĩ chẩn đoán rằng đó là chứng bệnh nan y, cứ 3.000 người ở Mỹ mới có 1 người mắc phải. Khoảng 10 năm sau đó, mắt tôi kém đến nỗi tôi phải bỏ nghề và cách đây 5 năm, tôi hoàn toàn bị mù. Chẳng may bị mất thị lực đồng nghĩa với việc bạn bị mất quá nhiều thứ trong cuộc sống…”.

Năm 2009, khi bác sĩ đề nghị cụ Konstantopoulos tham gia một cuộc thử nghiệm ghép mắt nhân tạo Argus II kéo dài ba năm, cụ hào hứng nhận lời. Và hiện giờ, cụ Konstantopoulos đã có thể nhìn thấy ánh sáng từ đèn pha ô tô, nhận biết các vật sáng màu trên nền tối, tự đi lại trong phòng và làm được một số công việc đơn giản trong nhà như lau sàn phòng tắm và sử dụng cưa làm vườn.

Argus II có tên đầy đủ là Argus II Retinal Prosthesis System (Hệ thống mô phỏng võng mạc Argus II), do Công ty Second Sight Medical Products ở bang California (Mỹ) sáng chế. Second Sight thành lập năm 1998, chuyên nghiên cứu phát triển các hệ thống võng mạc nhân tạo điều trị cho những bệnh nhân bị mù vì những chứng như “retinitis pigmentosa”. Argus II là hệ thống gồm camera gắn ở kính mắt, truyền sóng vô tuyến đến một chip siêu mỏng với các cực điện tử nhận tín hiệu ghép ở võng mạc. Các cực nhận tín hiệu này sẽ kích thích các dây thần kinh còn lại trong võng mạc đề truyền tín hiệu lên não. Argus II có khả năng phục hồi một phần thị giác cơ bản, giúp bệnh nhân nhìn thấy một hình thức ánh sáng nào đó tuy còn lờ mờ. Với giá khoảng 100.000 USD, Argus II hiện có 60 điện cực, được cho là sẽ giúp người mù nhìn rõ hơn so với Argus I chỉ có 16 điện cực. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục cải tiến để phát triển loại mắt sinh học có đến 1.000 điện cực, cho phép phân biệt cả khuôn mặt người, tiến dần đến khả năng chế tạo mắt sinh học gần với mắt thật. Ông Brian Mech, phó giám đốc phát triển của Second Sight, cho biết: “Một ca phẫu thuật cấy ghép Argus II cho bệnh nhân chỉ mất khoảng ba tiếng đồng hồ và chỉ cần một bác sĩ, trong khi quá trình cấy ghép Argus I đòi hỏi thời gian dài hơn nhiều với nhóm phẫu thuật lên tới 3 bác sĩ”.

Cụ Konstantopoulos cũng thừa nhận hầu như không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật cấy ghép Argus II. Và mặc dù vẫn chưa nhìn được khuôn mặt của cháu trai nhưng dường như cụ được an ủi phần nào khi nghe lời cam kết của ban giám đốc Second Sight rằng: Argus II đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên, trong đó tầm nhìn sẽ được khôi phục ở mức độ đáng ngạc nhiên.

H.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN