Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban kiểm soát các hoạt động tình báo, Chủ tịch Haldenwang nêu rõ: "Mạng xã hội đóng một vai trò đặc biệt trong việc phát triển chủ nghĩa cực đoan". Theo tân Chủ tịch BfV, mạng xã hội thường xuyên bị các đối tượng cực đoan lạm dụng như một công cụ tập hợp quan điểm, truyền bá tư tưởng và kêu gọi hành động. Nhằm đối phó với tình trạng khó nhận biết các yếu tố cực đoan tiềm ẩn trên mạng xã hội, ông Haldenwang cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ cần có trách nhiệm hơn và hợp tác chặt chẽ với chính quyền.
Ông Haldenwang nhận nhiệm vụ đứng đầu BfV thay ông Hans-Georg Maassen sau khi ông Maassen bị cách chức do những phát ngôn về các vụ bạo lực xảy ra hồi tháng 9 vừa qua tại thành phố Chemnitz liên quan đến các nhóm cực đoan và bài ngoại. BfV được biết đến với chức năng là cơ quan tình báo nội địa liên bang, chịu trách nhiệm theo dõi các vấn đề liên quan đến an ninh của nước Đức, trong đó có việc kiểm soát các phần tử cực đoan.
Việc siết chặt quản lý các mạng xã hội đã được các nhà lập pháp Đức đặt ra từ nhiều năm trước. Từ năm mùa Hè năm ngoái, Đức đã công khai tuyên chiến với mạng xã hội trong nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng xấu tới người dùng, đặc biệt là tin tức giả mạo. Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đây là công cụ pháp lý mới nhất và mạnh nhất nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh nhất có thể cho người dùng. Theo luật này, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu euro. Đức cũng muốn dùng công cụ pháp lý này để hạn chế các loại hình tội phạm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức cực đoan, các nhóm khủng bố.
Theo thống kê, Đức hiện có khoảng 38 triệu người sử dụng các mạng xã hội, trong đó Whatsapp chiếm tỷ lệ cao nhất với 79%, tiếp đến là Facebook với 59%, Instagram với 30%. Twitter chỉ xếp thứ 5 về mức độ phổ biến tại Đức, sau cả YouTube và Snapchat.