Malta kêu gọi EU triển khai thêm biện pháp ứng phó biến thể mới của SARS-CoV-2

Ngày 17/2, Malta, quốc gia dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho biết những thành công mà nước này đạt được là nhờ chương trình mua vaccine chung của khối, song nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai thêm các biện pháp để đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Trao đổi với báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Malta Chris Fearne cho biết chương trình mua chung vaccine "chưa từng có tiền lệ" của EU đã giúp ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các nước thành viên. Ông nêu rõ: "Hãy tưởng tượng tình huống chúng ta không làm điều này cùng nhau: nếu các quốc gia thành viên đi theo con đường riêng của mỗi nước... sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua giữa các quốc gia thành viên. Điều này dẫn tới tình trạng các quốc gia thành viên lớn hơn sẽ được tiếp cận các vaccine ngừa COVID-19, trong khi các thành viên nhỏ hơn sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí có thể không tiếp cận được vaccine".

Tính đến ngày 16/2, Malta đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 10% trong tổng số 515.000 dân, với hơn 75% trong số những người trên 16 tuổi hiện đã được chủng ngừa đủ 2 mũi vaccine của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Tuần trước, Malta cũng bắt đầu tiêm chủng vaccine của AstraZeneca (Anh) dành cho những người từ 18 đến 55 tuổi. Tỷ lệ tiêm chủng này đưa Malta vào tốp đầu trong EU, điều mà Ngoại trưởng Fearne cho là nhờ hai yếu tố chính là nước này đã đặt hàng 2 triệu liều vaccine đủ để chủng ngừa 2 mũi cho toàn dân và mạng lưới trung tâm y tế cộng đồng dày đặc giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng. Ngoài ra, Malta cũng đặt hàng 3 loại vaccine tiềm năng của Johnson & Johnson (Mỹ), CureVac (Đức) và Novavax (Mỹ) - dự kiến sẽ sớm được cấp phép tại EU.

Tuy nhiên, ông Fearne cho biết Malta cũng nhận thức sâu sắc rằng việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ là một chặng đường dài, đặc biệt do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh, Brazil, Nam Phi và Nigeria. Một số biến thể dường như đã làm giảm hiệu quả của vaccine được triển khai. Ông cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng cường các liều vaccine, có thể là thực hiện tiêm chủng hằng năm, nếu khả năng miễn dịch suy yếu.

Trước đó, trong thư gửi Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/1, Ngoại trưởng Fearne đã hối thúc EU đẩy mạnh nghiên cứu về miễn dịch của các vaccine ngừa COVID-19 và giải mã gene để phát hiện các biến thể mới. Ông lưu ý virus SARS-CoV-2 "vẫn sẽ tiếp tục biến đổi, đồng nghĩa chúng ta có thể cần các loại vaccine khác nhau ở một số thời điểm hoặc thực hiện những thay đổi đối với các vaccine để ứng phó với các biến thể". EC sau đó đã phản hồi rằng những đề nghị của ông Fearne đang được thực hiện.

* Cùng ngày, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Du lịch Tây Ban Nha cho biết nước này hy vọng việc triển khai hộ chiếu tiêm chủng kết hợp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi đi du lịch sẽ cho phép du khách Anh quay trở lại những địa điểm du lịch của Tây Ban Nha vào mùa Hè này.

Quan chức trên nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ giấy chứng nhận tiêm chủng, nhưng không phải là cách thức duy nhất để khôi phục hoạt động đi lại mà là một trong những biện pháp chống dịch bên cạnh các biện pháp gồm giãn cách xã hội, xét nghiệm trước khi du lịch và đeo khẩu trang". Cũng theo quan chức này, Chính phủ Tây Ban Nha không có kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm dịch đối với du khách nước ngoài, đồng thời tin tưởng vào việc đạt được một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa châu Âu và Anh để dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động đi lại không thiết yếu.

Trong năm ngoái, ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề khi các nước đồng loạt thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch. Riêng tại Tây Ban Nha - một trong những quốc gia thu hút khách du lịch nhất trên thế giới - số lượt du khách nước ngoài đã sụt giảm 80% xuống chỉ còn 19 triệu lượt, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Đóng góp của ngành du lịch vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng giảm mạnh từ 12% trong năm 2019 xuống còn khoảng 4% - 5%.

Phương Oanh (TTXVN)
Nhiều nước Trung Đông phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Nhiều nước Trung Đông phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang dần ổn định ở khu vực Trung Đông, nhưng tình hình vẫn còn nghiêm trọng với hơn 10 nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN