Báo cáo của hãng quản lý đầu tư Sprott Asset Management chỉ ra rằng tâm lý lo lắng về tính an toàn của tài sản dự trữ, đặc biệt sau khi Mỹ tịch thu kho ngoại hối trị giá 650 tỷ USD của Nga vào tháng 2/2022, đã kích thích làn sóng mua vàng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Sprott lưu ý xu hướng này còn báo hiệu niềm mong muốn đa dạng hóa khỏi đồng USD và các tài sản liên quan đến USD.
Chính điều đó đã tạo nền tảng cho giá vàng, nâng giá kim loại này lên mức kỷ lục trên 2.000 USD/ounce. Ngoài ra, giá vàng cũng đcược thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm tới.
Ông Ross Norman, Giám đốc điều hành trang web Metals Daily có trụ sở tại London, nhận định: “Các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với một số thực thể có chủ quyền – điều mà một số người gọi là vũ khí hóa đồng USD – đã thuyết phục các chính phủ dễ bị tổn thương tìm kiếm loại tài sản dự trữ không chịu rủi ro”.
Chủ đề phi đô la hóa, nhằm mục đích chấm dứt quyền thống trị của đồng đô la Mỹ, đã trở nên nổi bật trong năm qua. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 4 đã kêu gọi về một loại tiền tệ mới mà các quốc gia BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – có thể sử dụng để giao dịch các thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Trung Quốc đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ đối với đồng nhân dân tệ, nhưng đồng tiền của Trung Quốc cũng thiếu được tin tưởng như đồng đô la Mỹ.
Do đó, vàng đã nổi lên như một giải pháp thay thế đáng tin cậy, đặc biệt vì nó được coi là phương tiện lưu trữ giá trị hiệu quả giữa thời kỳ đầy biến động như chiến tranh ở Ukraine và chiến tranh Israel - Gaza.
Kim loại quý này có lợi thế vì có thể được mua và bán tại quầy ở bất cứ đâu trên thế giới, trong khi đồng đô la Mỹ cần được chuyển đổi bởi các đại lý tại các quốc gia ngoài Mỹ.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua đã tạo nên quý thứ ba tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Số lượng vàng nhập khẩu tính đến cuối tháng 10 trong báo cáo mới nhất đã cao hơn 14%.
Trong khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc là khách mua vàng lớn nhất trong quý 3, các nước nhập khẩu hàng đầu khác ở châu Á là Singapore, Ấn Độ và Philippines. Các ngân hàng Nga, Qatar và Kyrgyzstan cũng nhập khẩu lượng vào kỷ lục.
Ông Shaokai Fan, người đứng đầu WGC khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giải thích rằng các ngân hàng trung ương đang đưa ra phản ứng với nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mong muốn đa dạng hóa tài sản dự trữ của họ và nhận thức về rủi ro tài chính cao hơn.
Ông Fan nói: “Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị ngày càng tăng cùng với những lo ngại về các biện pháp trừng phạt nhắm vào tài sản dự trữ chắc chắn cũng là những động lực thúc đẩy quan trọng”. Ông nói thêm các ngân hàng này có lượng dự trữ vàng thấp hoặc đang nắm giữ một lượng lớn đô la Mỹ nên càng mong muốn đa dạng hóa.
WGC cho biết kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Ukraine, các ngân hàng trung ương đã nhập khẩu vàng nhiều gấp 2,5 lần trung bình hàng quý trước đó của thập kỷ trước.
Ông Shaokai Fan dự báo: “Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng vào năm 2024, nhưng có thể không đạt đến số lượng kỷ lục mà chúng ta đã chứng kiến gần đây”.
Hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương có thể gặp khó khăn do giá vàng dự kiến tăng lên khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới. Ông Gnanasekhar Thiagarajan, Giám đốc quản lý rủi ro Commtrendz ở Ấn Độ, tin tưởng giá vàng có thể tăng lên 2.400 - 2.500 USD/ounce vào giữa năm tới.
“Chắc chắn, các ngân hàng có thể hành động chậm lại khi giá tăng. Họ sẽ chờ đợi điều chỉnh giá”, ông Thiagarajan nói.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng được tính bằng đô la Mỹ. Vàng thường có mối tương quan tỷ lệ nghịch với đồng bạc xanh. Giá trị của USD có thể giảm bất cứ khi nào lãi suất giảm.
“Nhiều ngân hàng trung ương đang nhận ra rằng lượng vàng nắm giữ của họ có lẽ quá thấp so với tỷ lệ phần trăm của tổng dự trữ”, nhà phân tích Martin Huxley nói, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ 10 - 20% thường được coi là mức phù hợp.