Lý do Trung Quốc im lặng trước tình hình Iraq

Trong khi nhiều cường quốc trên thế giới đã nêu quan điểm về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq thì chính phủ Trung Quốc, quốc gia hưởng lợi rất nhiều tại nước này thời hậu Saddam, thì gần như vẫn giữ im lặng.

Lực lượng Peshmerga người Kurd tại vị trí đóng quân ở làng Basheer, Kirkuk ngày 21/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Tờ "Trung Đông" dẫn bài viết của trang "The Diplomat” cho rằng ngay từ giữa năm ngoái, truyền thông phương Tây đã nhận định Trung Quốc mới là nước được lợi trong cuộc chiến tranh Iraq hồi đầu những năm 2000. Trong khi Trung Quốc không đóng góp gì trong việc lật đổ cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng như quá trình ổn định tình hình sau đó, nhưng nước này lại được hưởng lợi rất nhiều thông qua việc đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí tại Iraq thời kỳ hậu Saddam. Tờ "Thời báo New York" tính toán rằng chỉ riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã đầu tư đến 4 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu lửa ở Iraq, và Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ gần 1/2 lượng dầu xuất khẩu của Iraq trong suốt những năm gần đây. Ngoài ra, có khoảng 10.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc trong các dự án dầu khí và cơ sở hạ tầng tại xứ sở Babylon. 

Mặc dù vậy, trong khi nhiều cường quốc trên thế giới đã nêu quan điểm về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq thì chính phủ Trung Quốc gần như vẫn giữ im lặng. Ngày 18/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cuối cùng cũng đã nói vài lời về Iraq, rằng Bắc Kinh không muốn chứng kiến những gì đã diễn ra tại Libya năm 2011 sẽ tái diễn tại Iraq. Bà Hoa Xuân Oánh cũng cam kết rằng chính phủ Trung Quốc sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh cho công dân của mình tại Iraq".

Rõ ràng, phát ngôn trên của bà Hoa Xuân Oánh không có gì nổi bật khi các tay súng người Hồi giáo dòng Sunni đã chiếm một phần đáng kể lãnh thổ của Iraq được hơn 1 tuần. Điều này đã phần nào phản ánh lợi ích quốc gia của Trung Quốc tại Iraq, đó là dầu lửa, và nó không thật sự bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình hình hiện nay. Hầu hết các mỏ dầu của Iraq đều nằm ở các khu vực phía Nam, là nơi chính quyền trung ương vẫn nắm quyền kiểm soát, chỉ có một mỏ dầu do Trung Quốc đầu tư là nằm ở phía Bắc thủ đô Baghdad, nhưng lại thuộc khu vực do người Kurd kiểm soát rất chặt chẽ. Mặc dù tình trạng căng thẳng hiện nay đã khiến các công ty phương Tây sơ tán nhân viên của mình, nhưng các công ty dầu lửa của Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động một cách bình thường. 

Nhà máy lọc khí đốt Naher al-Umran, cách thành phố Basra. Ảnh: AFP/TTXVN


Thông thường, Trung Quốc ít khi đưa ra phản ứng mau lẹ trước những sự kiện quốc tế giống như những nước phương Tây. Một cuộc đánh giá về chiến dịch đưa tin của Tân Hoa Xã đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi cuối năm ngoái cho thấy phải mất đến vài ngày, thậm chí lâu hơn, để Trung Quốc đưa ra phản ứng về những gì đang diễn ra ở đấy. Điều này có thể là do các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn phải bàn thảo xem Bắc Kinh nên phản ứng như thế nào.

Lần này, thời hạn mà Bắc Kinh trì hoãn, chưa đưa ra phản ứng về tình trạng bạo lực tại Iraq đã vượt qua mức "vài ngày", có thể là do những vấn đề về hậu cần, như Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đó đang ở Anh, còn Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì vừa sang thăm Việt Nam. Ngoài ra, trì hoãn này cũng có thể vì lý do chiến thuật. Trong khi tình hình tại Iraq diễn biến quá nhanh, Bắc Kinh muốn chờ đợi đến lúc tình hình ổn định hơn mới đưa ra phản ứng cụ thể. Song, nhiều khả năng mọi việc không chỉ đơn giản như thế. Việc trì hoãn vừa rồi đã cho thấy mặc dù Trung Quốc luôn yêu cầu được công nhận như một cường quốc thế giới, nhưng họ vẫn không sẵn sàng hành động để chứng minh mình xứng đáng với vị trí này, đặc biệt là ở bên ngoài khu vực Đông Á. Thay vào đó, họ chấp nhận để Mỹ và các cường quốc khu vực nỗ lực để ổn định tình hình tại Iraq, để Bắc Kinh tiếp tục được hưởng lợi từ ổn định này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm các mỏ dầu mới tại Iraq để có thể "đón đầu". 

Xét về bất kỳ phương diện nào thì đây cũng là một điều rất đáng xấu hổ. Đầu tiên là sẽ không nước nào công nhận Trung Quốc như một cường quốc thế giới nếu họ không có những hành động xứng đáng. Trong trường hợp Iraq, Trung Quốc hoàn toàn có thể đóng góp vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết khủng hoảng. Như đã nêu ở trên, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào ngành công nghiệp dầu khí của Iraq, do đó, họ có đủ điều kiện để sử dụng những đòn bẩy với chính quyền Baghdad. Trung Quốc cũng có quan hệ chặt chẽ với Iran - nước bảo trợ cho chính quyền Iraq - lẫn các nước vùng Vịnh theo dòng Sunni, vốn phụ thuộc vào nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc. Các quốc gia vùng Vịnh đều ủng hộ cộng đồng người Sunni tại Iraq, do đó Bắc Kinh đang ở vị trí rất thuận lợi cho vai trò trung gian hòa giải, nhưng họ không làm gì cả. 


TTK

Phiến quân Iraq giết hại 69 phạm nhân
Phiến quân Iraq giết hại 69 phạm nhân

Sáng 23/6, 69 phạm nhân đã thiệt mạng khi đoàn xe chở họ bị phiến quân tấn công ở phía Nam thủ đô Baghdad của Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN