Theo trang oilprice.com ngày 9/1, vào ngày 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh về các biện pháp đối phó với lệnh áp giá trần dầu và các sản phẩm dầu của Nga. Đây là phản ứng của Nga khi Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Theo đó, Nga cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do Chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.
Ngày 23/12/2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng sản lượng dầu của Nga có thể giảm 5-7% do các lệnh trừng phạt của G7. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 850.000 triệu thùng/ngày, xuống mức trung bình 10,1 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cũng có nhận định rằng sản lượng dầu hoặc sản phẩm dầu của Nga sẽ không sụt giảm trong năm 2023 vì một số lý do.
Một điểm mấu chốt trong số này là Nga vẫn đang kiếm được rất nhiều tiền từ mỗi thùng dầu mà họ sản xuất, cho dù thùng dầu đó có được bán với giá chiết khấu so với mức bình thường. Do đó, lợi ích của Nga là duy trì hoạt động sản xuất dầu như mức bình thường trước xung đột ở Ukraine để thu về nhiều tiền nhất. Trong một thời gian rất dài, Nga có mức giá dầu vừa đủ cho ngân sách khi mỗi thùng dầu Brent có giá khoảng 40 USD/thùng. Với mức trần 60 USD/thùng hiện nay, Nga có lợi nhuận rất tốt.
Cần lưu ý ở đây rằng mức chiết khấu 30% mà một số khách hàng lớn yêu cầu Nga kể từ xung đột Ukraine là mức chiết khấu so với giá dầu thị trường, không phải so với giá trần. Do đó, khi dầu Brent hiện ở mức khoảng 80 USD/thùng, Nga đang thu về khoảng 56 USD/ thùng khi bán dầu chiết khấu. Đây vẫn là một khoản lợi nhuận tốt.
Điều ai cũng sẽ nhận thấy là mức giá trần mà G7 áp cho dầu Nga (60 USD) lại cao hơn giá dầu mà Nga đang bán cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ kể cả sau khi chiết khấu (56 USD).
Một yếu tố khác giúp Nga vẫn có thể xoay xở với mọi mức giá trần hoặc lệnh trừng phạt nào mà G7 hoặc nhóm nào khác đưa ra. Đó là Nga có thể áp dụng nhiều cách để lách lệnh trừng phạt như Iran đã làm trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh Nga dường như không bị ảnh hưởng bởi lệnh áp giá trần, tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đưa ra những lời cảnh báo về mức trần giá 60 USD/thùng?
Theo trang oilprice.com, có vẻ như rõ ràng rằng ông Putin đang cảnh báo như vậy để không ai nghĩ đến việc hạ giá trần xuống mức đã được thảo luận ban đầu là từ 20 – 30 USD/thùng. Mức giá này sẽ khiến doanh số bán dầu của Nga giảm. Điểm mấu chốt là Tổng thống Putin và các công ty dầu mỏ Nga hoàn toàn hài lòng với mức trần giá dầu là 60 USD/thùng hiện nay. Tất cả những người mua dầu Nga ở mức này cũng hài lòng.
Hơn nữa, Mỹ cũng hoàn toàn hài lòng khi các nước tiêu thụ lớn như Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga, kể cả ở mức giá cao hơn cơ chế trần giá do G7 áp đặt. Khi giá dầu và khí đốt giảm, Mỹ và các nước đồng minh giảm bớt áp lực lạm phát và không phải lãi suất tăng rồi chịu rủi ro suy thoái kinh tế. Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng có thể kiếm được nhiều tiền nhất có thể khi bán dầu và khí đốt.