Lý do thành phố Severodonetsk lại quan trọng với cả Ukraine và Nga

Phong trào đòi độc lập ở Ukraine khởi phát tại Severodonetsk và giờ đây thành phố này lại trở thành tâm điểm của cuộc chiến Nga-Ukraine ở vùng Donbass.

Chú thích ảnh
Severodonetsk hiện là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt nhất ở vùng Donbass. Ảnh: AFP

Vài tuần trước, những binh sĩ cuối cùng của Ukraine đóng tại thành phố Mariupol đã đầu hàng quân đội Nga với hy vọng họ sẽ được giải cứu trong một thỏa thuận trao đổi tù binh giữa hai bên. Nhưng Ukraine hiện cũng đứng trước nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát ở một trung tâm lớn khác thuộc Donbass, đó là thành phố Severodonetsk.

Severodonetsk và vùng Lysychansk lân cận hiện là hai thành phố lớn duy nhất ở Donbass mà Kiev kiểm soát một phần. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận định trận chiến tại Severodonetsk rất khốc liệt và khó khăn. Đây có thể là trận đánh quyết liệt nhất trong toàn bộ tiến trình cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, phía Nga tổn thất nhiều binh sỹ và số phận của vùng Donbass có thể sẽ được quyết định bởi cục diện chiến trường tại Severodonetsk.

Sau khi Nga chiếm Mariupol, phía Ukraine ngày một lo ngại về một trận bao vây tương tự được Moskva triển khai ở Severodonetsk, nơi mà thị trưởng thành phố này cho biết còn khoảng 10.000 người dân bị mắc kẹt và dễ trở thành đối tượng bị tổn thương trong các cuộc giao tranh.

Severodonetsk quan trọng với Ukraine và Nga trên một số khía cạnh. Về kinh tế, đây là trung tâm công nghiệp hóa chất của Ukraine. Trước chiến tranh, thành phố này có quy mô dân số vào khoảng  100.000 dân. Trong thập kỷ 1950, chính quyền Liên bang Xô Viết đã phát triển khu vực định cư gần nhà máy hóa chất Azot thành một thành phố mới. Nó nằm sát Luhansk, Donetsk và Kharkov, được đặt tên là Severodonetsk, theo tên con sông Siversky Donets.

Dmytro Firtasch, một tài phiệt và ông trùm truyền thông định cư ở Áo năm 2014, là chủ sở hữu nhà máy Azot, đơn vị sản xuất và xuất khẩu phân bón ra nhiều nước trên thế giới.

Như nhiều công xưởng khác ở khu vực, nhà máy phân bón Azot trong vài năm vừa qua rơi vào tình cảnh sản xuất cầm chừng, gián đoạn do xung đột ở Donbass. Severodonetsk cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy hóa chất khác, trong khi thành phố Lysychansk lân cận có một nhà máy lọc dầu thuộc quyền sở hữu của Nga, cũng bị ngưng sản xuất trong thời gian dài.

Chú thích ảnh
Nhà máy phân bón Azot ở Severodonetsk. Ảnh: DW

Ở khía cạnh chính trị, phong trào đòi độc lập ở Donbass khởi phát chính tại Severodonetsk. Thành phố này là nơi đầu tiên xuất hiện ý đồ chia tách Ukraine từ hơn 20 năm trước đây. Vào ngày 28/11/2004, Đại hội đại biểu toàn Ukraine khai mạc tại Severodonetsk, với sự tham dự chủ yếu của các đại diện thuộc đảng Khu vực – một đảng chính trị trung hữu và thân Nga của Ukraine được thành lập tại Donbass vào cuối năm 1997.

Đảng Khu vực giữ ảnh hưởng bao trùm tại Dobass. Khi phong trào biểu tình “Cách mạng Cam” nổ ra tại nhiều tuyến phố ở thủ đô Kiev trong năm 2004, đảng này đe dọa sẽ tuyên bố tuyên bố thành lập một khu vực ly khai gồm 8 khu vực ở phía Đông và phía Nam Ukraine, cùng với Crimea và Sevastopol, với Kharkov là trung tâm. Tuy nhiên, nỗ lực đó đã không thành công. Kể từ sau cuộc chính biến tại Ukraine năm 2014, đảng Khu vực không tham gia bầu cử và hầu hết các thành viên của đảng này đã rời đi, gia nhập các đảng phái khác.

Thị trưởng Moskva thời điểm đó là Yuri Luzhkov chính là người đã phát biểu tại Đại hội năm 2004. Ông Luzhkov từng làm công nhân tại nhà máy phân bón Azot khi còn trẻ. Sau đó, ông này từng được trao danh hiệu công dân danh dự của Severodonetsk giữa thời điểm nhà chức trách Kiev ban hành lệnh cấm nhập cảnh với ông, vì những tuyên bố kích động ly khai quan ngại ở Sevastopol.

Những người khởi xướng Đại hội đại biểu toàn Ukraine không có hoạt động nổi bật nào khác ngoài tuyên bố tại sự kiện này trong năm 2004.

Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga 10 năm sau đó, lực lượng đòi độc lập tại Ukraine đã nắm giữ 3 thành phố lân cận là Severodonetsk, Lysychansk và Rubishne. Nhưng quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát vào tháng 7/2014. Kể từ đó Severodonetsk trở thành trung tâm hành chính quân sự-dân sự của khu vực.

Về tác chiến quân sự, cùng với Lysychansk, Severodonetsk có tầm quan trọng chiến lược, vì hai thành phố này có các tuyến giao thông kết nối với các khu vực khác của Ukraine. Nổi bật là tuyến đường cao tốc nối Lysychansk với Bakhmut ở khu vực Donetsk. Nó được quân đội Ukraine sử dụng làm tuyến đường tiếp tế, đồng thời cũng là tuyến đường sơ tán dân thường để tránh các vụ pháo kích nguy hiểm.

Việc giành quyền kiểm soát Severodonetsk và Lysychansk sẽ cho phép quân đội Nga tiếp cận biên giới hành chính của khu vực. Từ đây, quân đội Nga có thể tiến xa hơn về phía Tây tới Kramatorsk, một trung tâm hành chính khác ở vùng Donetsk. Kramatorsk là một trong những thành phố công nghiệp lớn cuối cùng tại Donetsk hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Kiev.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (DW)
Tổng thống Ukraine nói về trận chiến quyết định ‘sinh mệnh’ Donbass
Tổng thống Ukraine nói về trận chiến quyết định ‘sinh mệnh’ Donbass

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng thành phố Severodonetsk hiện là “trung tâm chiến sự” tại khu vực Donbass.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN