Theo tờ Politico, hình ảnh của các tài liệu mật bị phát tán trên mạng xã hội trong những ngày gần đây đã được đăng lên một trang web nhắn tin phổ biến từ tháng 1. Nhưng dường như việc này chỉ thu hút sự chú ý của chính phủ Mỹ khi lần đầu tiên các phương tiện truyền thông đưa tin vào đầu tháng 4.
Một quan chức Mỹ cho biết. “Không ai trong chính phủ Mỹ biết tài liệu mật ở ngoài đó”. Về lý do tại sao chính phủ Mỹ không biết, ông này nói: “Chúng tôi chưa thể trả lời điều đó. Tất cả chúng tôi đều muốn biết điều đó đã xảy ra như thế nào”.
Theo hai nguồn tin cấp cao của Mỹ, các quan chức cấp cao trong bộ máy an ninh quốc gia đã được thông báo về các tài liệu này vào ngày 6/4, cùng ngày vụ rò rỉ được tờ The New York Times đưa tin lần đầu tiên. Chính quyền Mỹ chỉ bắt đầu xem xét vụ rò rỉ vào tuần trước.
Sự chậm trễ này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao vụ phát tán tài liệu mật lại không được chú ý trong một thời gian dài như vậy.
Ông John Cohen, cựu quyền thứ trưởng phụ trách tình báo và phân tích tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: “Các cơ quan chính phủ liên bang không chủ động giám sát các diễn đàn trực tuyến để tìm kiếm các hoạt động liên quan đến mối đe dọa. Nếu một người hoặc tổ chức đăng thông tin mật lên một trong những diễn đàn đó, thì có khả năng cao là các quan chức chính phủ sẽ không phát hiện ra thông tin đó”.
Các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc, cộng đồng tình báo và Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem ai là người đầu tiên làm rò rỉ các tài liệu, có bao nhiêu tài liệu mật của Mỹ có thể vẫn đang bị phát tán và tại sao không ai chú ý tới sự việc.
Mặc dù mỗi cơ quan chịu trách nhiệm điều tra các vi phạm thông tin tình báo trong bộ phận của mình, nhưng không có văn phòng nào chịu trách nhiệm giám sát các trang mạng xã hội để tìm thông tin mật bị rò rỉ.
Chính phủ Mỹ khẳng định rằng họ không theo dõi người Mỹ. Theo họ, theo dõi các diễn đàn trực tuyến này, ngay cả với mục đích là tìm các tài liệu bị rò rỉ bất hợp pháp, cũng bị coi là theo dõi người Mỹ.
Một cựu quan chức tình báo Mỹ nắm rõ cuộc điều tra vụ rò rỉ tài liệu cho biết: “Chúng ta có thực sự muốn chính phủ giám sát mọi thứ được nói trên các trang mạng xã hội không? Câu trả lời cho điều này là không. Nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ tự động vướng vào các vấn đề về quyền tự do dân sự. Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách giải quyết vấn đề đó để một mặt có thể bảo vệ quyền được nói của mọi người và mặt khác là tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Theo ông Cohen, vụ rò rỉ này là một tội ác tiềm tàng và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, điều đó có nghĩa là có thể không áp dụng Tu chính án thứ nhất. Ông nói: “Tùy thuộc vào hoàn cảnh, hành vi có thể là bất hợp pháp và có khả năng không được coi là quyền ngôn luận”.
Vẫn chưa rõ chính xác vụ rò rỉ ban đầu diễn ra khi nào và ai chịu trách nhiệm phát tán tài liệu mật, nhưng vụ việc có thể bắt nguồn từ một nhóm nhỏ người dùng trên ứng dụng nhắn tin có tên Discord - một nền tảng mạng xã hội phổ biến với người chơi trò chơi điện tử.
Một trong những người dùng của nhóm lần đầu tiên đăng thông tin ở dạng tóm tắt bằng văn bản vào khoảng thời gian mùa đông. Nhiều tuần sau, bắt đầu từ tháng 1, người dùng đó bắt đầu đăng những hình ảnh có vẻ là tài liệu mật nội bộ của Mỹ. Một số trong số các tài liệu được dán nhãn “Bí mật” và “Tuyệt mật”.
Vài tuần sau, vào tháng 3, một trong những người dùng từ một nhóm trò chuyện trên Discord đã đăng lại các hình ảnh trên nhóm thứ hai cũng ở Discord và liên quan Wow_mao.
Wow_mao, một Youtuber nổi tiếng và là người thành lập nhóm này cho biết: “Người dùng đó đã đăng hơn 30 tài liệu liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine”. Wow_mao cho rằng người đăng tài liệu có thể đang cố tỏ ra “ngầu” hoặc “hài hước”.
Sau khi được đăng trên Discord, các tài liệu đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội khác như Twitter, Telegram và 4Chan.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Discord cho biết họ đang hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Phát ngôn viên của Discord là Madeline Sarver nói: “Khi chúng tôi biết nội dung vi phạm chính sách của mình, nhóm của chúng tôi sẽ điều tra và thực hiện hành động thích hợp, như cấm người dùng, đóng các phòng trò chuyện và phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ra, công ty kết hợp các công cụ chủ động để loại bỏ nội dung vi phạm chính sách khỏi nền tảng”.
Ông Cohen cho biết trong vài năm qua, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã nhận thức được mặt tích cực của việc giám sát các diễn đàn trực tuyến cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề là có những giới hạn pháp lý nhất định đối với những gì các quan chức chính phủ có thể làm để theo dõi hoạt động trên mạng xã hội của người Mỹ.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) được phép truy cập các trang mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến khác để giám sát hoạt động khi cơ quan này mở một vụ án cụ thể. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng có thể giám sát một số hoạt động trực tuyến nhưng chỉ trên các diễn đàn mở. Cộng đồng tình báo cũng có thể theo dõi các tin nhắn trên mạng xã hội, cũng như các thông tin liên lạc khác của người nước ngoài.
Nhưng trong trường hợp này, cá nhân đó không đe dọa có hành vi bạo lực và không có dấu hiệu cho thấy người đó đã bị cơ quan thực thi pháp luật lưu ý.
Các quan chức Mỹ lo lắng về việc xây dựng các phương pháp giúp họ phát hiện và phân tích các mối đe dọa trực tuyến vì điều này đôi khi khiến các nhà lập pháp lo lắng.
Theo ông Cohen, chính phủ Mỹ cần tìm cách giám sát chặt chẽ hơn hoạt động trực tuyến dù không đe dọa thực hiện các hành động bạo lực hoặc liên quan đến khủng bố nhưng vẫn có thể là bất hợp pháp, chẳng hạn như rò rỉ thông tin mật. Tuy nhiên, dựa vào các tổ chức nghiên cứu hoặc học thuật để theo dõi hoạt động bất hợp pháp trên internet có thể là một con đường dễ dàng hơn so với việc yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật hoặc tình báo thực hiện việc giám sát.
Trong những ngày gần đây, các quan chức trong chính quyền Mỹ cũng phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ các đồng minh về tại sao lại để xảy ra vụ rò rỉ và tại sao Mỹ bây giờ mới khẩn trương điều tra.
Không rõ chính xác có bao nhiêu tài liệu đã bị phát tán lên mạng kể từ lần đăng đầu tiên trên Discord. Nhiều người dùng và các phòng trò chuyện nơi các tài liệu mật xuất hiện lần đầu tiên đã biến mất. Có thể có hàng chục tài liệu mật nữa chưa bị phát tán.
Con đường rắc rối trong quá trình phát tán tài liệu mật trên mạng xã hội có khả năng làm khó cuộc điều tra của Mỹ.