Các tiểu bang khắp nước Mỹ, trong đó có Texas, Delaware, Washington và Massachusetts đều đã đóng cửa các địa điểm xét nghiệm.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 11/4 đưa tin trong số các địa điểm này, có những nơi đã hoạt động được gần 2 năm, từng đón hàng trăm thậm chí hàng nghìn người mỗi ngày.
Thời điểm này, bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà ngày càng phổ biến khiến nhu cầu đến các địa điểm xét nghiệm giảm dần. Chính phủ Mỹ còn phân phối các bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí đến người dân qua dịch vụ bưu chính.
Giám đốc dịch vụ Y tế công cộng tại Cơ quan Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hạt Haywood thuộc bang North Carolina-bà Sarah Henderson đánh giá hầu hết địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại các tiểu bang sẽ sớm đóng cửa.
Bà Henderson đề cập đến khó khăn trong việc duy trì nhân viên tại các địa điểm này đã góp phần dẫn đến tình trạng hiện nay. Nguồn tài trợ của chính phủ liên quan đến COVID-19 đã cạn kiệt, khiến nhiều tiểu bang không còn tiền để duy trì hoạt động của các địa điểm xét nghiệm.
Một ví dụ là thị trưởng hạt Palm Beach, bang Florida-ông Robert Weinroth vào giữa tháng 3 đã thông báo về việc đóng cửa các địa điểm xét nghiệm phi thương mại khi nguồn tài trợ liên bang “cạn kiệt”.
Vậy việc đóng cửa các địa điểm xét nghiệm có dẫn đến hậu quả? Nhiều chuyên gia y tế công cộng cảnh báo rằng dường như cái kết của đại dịch đang đến gần nhưng chiến thắng chưa được đảm bảo.
Vào mùa Xuân năm 2021, nhiều địa điểm xét nghiệm cũng dần đóng cửa khi số ca mắc mới giảm. Tuy nhiên, nhiều nơi buộc phải hoạt động trở lại khi số ca mắc mới COVID-19 tăng đáng kể do biến thể Delta.
Xét nghiệm vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ít dẫn đến các ca nhập viện hơn so với Delta. Tuy nhiên, nhưng biến thể phụ của Omicron là BA.2 đang chiếm hơn 72% số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ. Với 13 tiểu bang ghi nhận tình hình số ca mắc mới gia tăng, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã tỏ ra lo ngại.
Theo tờ New York Times, Mỹ hiện ghi nhận hơn 30.700 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng trung bình 2% so với hai tuần trước. Trong đó, một số khu vực và thành thị như New York và thủ đô Washington D.C. đang ghi nhận mức tăng cao hơn các địa phương khác. Riêng tại thành phố New York, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng gần 50% trong hai tuần qua.
Ngay cả khi nhiều địa điểm xét nghiệm COVID-19 đóng cửa, việc xét nghiệm vẫn không phải là khố khăn tại Mỹ. Những địa điểm xét nghiệm COVID-19 thương mại vẫn mở cửa. Nhiều trung tâm y tế vẫn duy trì việc xét nghiệm COVID-19.
Trong một diễn biến đáng quan tâm, ông Ashish Jha, điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC ngày 11/4 nhấn mạnh: "Chúng ta không cần phải để dịch COVID-19 điều khiển cuộc sống của mình nữa. Chúng ta hiện có rất nhiều liệu pháp được áp dụng rộng rãi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn".
Ông Jha cho rằng vẫn còn rất nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, vì vậy hậu quả vẫn còn khá lớn khi họ mắc bệnh. Do đó, chính quyền muốn khuyến khích những người này tiêm vaccine phòng COVID-19 và xem đây là "giải pháp quan trọng hàng đầu" trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cũng nhận định nước Mỹ đang trong thời điểm mà người dân sẽ phải sống chung với một mức độ virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cộng đồng. Khi số ca mắc tăng lên, ông Fauci tin rằng mức độ nghiêm trọng sẽ không gia tăng, xét theo số ca cần nhập viện và tử vong.
Mặc dù vậy, ông Fauci cũng cảnh báo ngay cả khi các bệnh nhân mắc COVID-19 không phải nhập viện, nguy cơ mắc hội chứng "COVID kéo dài" có thể xảy ra như mệt mỏi và khó tập trung thậm chí vài tháng sau lần đầu tiên mắc bệnh.