Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quốc gia này đã ký thỏa thuận sản xuất 700 triệu liều vaccine Sputnik V cho các nước. Tuy nhiên, tính đến ngày 12/5, Nga mới chỉ sản xuất được 33 triệu liều và xuất khẩu chưa tới 15 triệu liều vaccine.
So với các hãng dược phẩm khác như Pfizer và AstraZeneca, sản lượng của họ mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu liều vaccine.
Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu tập trung cung cấp vaccine cho người dân trong nước, Nga muốn quảng bá sản phẩm của mình cho nước ngoài. Moskva đã cam kết cung cấp vaccine cho trên 50 quốc gia, trải dài từ Mỹ Latinh sang châu Á. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc sản xuất vaccine đã tạo cơ hội cho Trung Quốc và Mỹ lấp đầy khoảng trống.
Phóng viên hãng tin Reuters đã có buổi phỏng vấn với 4 nhà sản xuất và 2 nguồn tin tham gia vào quá trình sản xuất vaccine tại Nga để có thể thấy rõ chuỗi cung ứng này đang gặp những khó khăn gì.
Nhà máy rộng 27.000 m2 của R-Pharm nằm ở ngoại ô thủ đô Moskva có trên 200 lò phản ứng sinh học phục vụ phát triển các tế bào để chế tạo vaccine.
Nguyên bản là một xưởng sản xuất ô tô trong thời kỳ Sô Viết và giờ được sử dụng như một nhà máy chế tạo Vaccine, R-Pharm phải học quy trình chế tạo từ đầu và không có kinh nghiệm trong việc vận hành các lò phản ứng sinh học.
Giám đốc điều hành Alexei Repik chỉ rõ khó khăn: “Thời gian làm ra một lô vaccine kéo dài từ nửa tháng đến một tháng, thậm chí là lâu hơn. Sau đó, bạn phải so sánh sản phẩm đầu ra với mẫu tham chiếu. Nếu nó trùng khớp, bạn may mắn. Nếu không, bạn phải hủy sản phẩm vừa làm ra”.
Công ty cũng phải vật lộn với tình trạng thiếu trang thiết bị và nguyên liệu thô trên toàn cầu.
Ban đầu R-Pharm dự định sản xuất 10 triệu liều vaccine mỗi tháng nhưng đến cuối tháng 3 vẫn chưa sản xuất được 1 triệu liều. Công ty bắt đầu quy trình phát triển tế bào từ tháng 11 năm ngoái song vào thời điểm đó, nhà máy vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động.
Các nhà sản xuất cho biết loại vaccine ngừa COVID-19 của Nga đặc biệt khó sản xuất vì nó được thiết kế theo dạng vaccine vectơ adenovirus. Các vectơ này là những con virus gây cảm lạnh thông thường cho con người đã được biến đổi, được sử dụng để mang thông tin di truyền vào cơ thể nhằm kích hoạt hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, không giống các loại vaccine adenovirus khác, hai liều vaccine trong mũi tiêm 1 và 2 của Sputnik V lại được làm từ hai loại véctơ khác nhau. Loại vectơ trong mũi tiêm 1 dễ sản xuất hơn loại vectơ mũi tiêm 2.
“Sản xuất đã khó khăn rồi mà giờ chúng ta lại có đến tận hai loại thuốc khác nhau”, ông Dmitry Morozov - Giám đốc điều hành BioCad cùng tham gia sản xuất Sputnik V – cho hay.
Để giải quyết các vấn đề trên, Nga đã hợp tác với AstraZeneca để sử dụng hỗn hợp liều vaccine adenovirus của hãng này. Thử nghiệm trên người về vaccine kết hợp đang được tiến hành ở một số quốc gia.
Tình trạng thiếu hụt trang thiết bị trên toàn cầu và số lượng có hạn của các nhà máy dược phẩm ở Nga cũng làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đối với các nhà sản xuất Nga.
Generium - nhà sản xuất Sputnik V lớn nhất tại Nga – cũng như Biocad đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy hiện có để tập trung sản xuất vaccine COVID-19. Để mở rộng sản lượng, sẽ cần xây dựng các nhà máy mới. Trong tháng 3, Generium thông báo đang xây dựng một nhà máy có khả năng sản xuất 200-300 triệu liều vaccine mỗi năm.
Trong khi đó, vấn đề lớn nhất đối với nhà sản xuất Pharmasyntez là thiếu đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm. Hoạt động sản xuất hai liều vaccine đã gây sức ép lên cho đội ngũ nhân sự vì nhu cầu cần thêm không gian và nhóm sản xuất riêng biệt.
“Chúng tôi có thể mua thiết bị, chúng tôi có thể xây nhà máy. Nhưng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, những người có năng lực phải đóng vai trò quan trọng nhất. Không may, hiện nay lại không có nhiều người như vậy”, đại diện Pharmasyntez cho hay.