Trước lễ hội, các thành phố và thị trấn trên cả nước đồng loạt trang hoàng những chiếc đèn nhiều sắc màu. Hàng triệu người Ấn Độ nô nức đổ về các khu chợ đông đúc để mua hoa, đèn và nến để trang trí nhà cửa, văn phòng và các đền thờ. Không khí lễ hội hồi sinh sau 2 năm trầm lắng do đại dịch COVID-19.
Khi hoàng hôn buông xuống, hơn 1,5 triệu ngọn đèn đất nung được thắp sáng trong suốt 45 phút tại Ram ki Paidi bên bờ sông Saryu ở thành phố Ayodhya, miền Bắc bang Uttar Pradesh.
Một quan chức cấp cao của thành phố cho biết hơn 22.000 tình nguyện viên đã cố gắng đảm bảo đèn luôn sáng trong thời gian quy định để phá vỡ kỷ lục Guinness Thế giới được ghi nhận năm ngoái với 900.000 ngọn đèn dầu được thắp sáng.
Thủ tướng Narendra Modi cũng tham dự lễ hội này, thắp một ngọn đèn và thực hiện nghi lễ truyền thống của đạo Hindu. Trước đó, ông đã tới cầu nguyện tại một đền thờ thần Ram ở thành phố Ayodhya.
Diwali là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm và là nét văn hóa đặc sắc của người Ấn Độ, được tổ chức vào tháng Ashwin (tháng 10) hay tháng Kartika (tháng 11) theo lịch của người Hindu, tùy chu kỳ của Mặt Trăng.
Lễ hội này xuất phát từ những truyền thuyết về các vị thần của người Hindu giáo. Truyền thuyết về chiến thắng của thần Krishna trước chúa quỷ Narakasura đã trở thành biểu tượng cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Truyền thuyết về nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và thần Ganesha tượng trưng cho trí tuệ, hạnh phúc. Ở một số nơi, Diwali được tổ chức để tưởng nhớ Vua Rama, biểu tượng của đức hạnh và lòng chung thủy trong sử thi Ấn Độ. Dù có nhiều cách lý giải về nguồn gốc khác nhau, nhưng đều có chung một ý nghĩa, tượng trưng cho những khởi đầu mới và chiến thắng của cái tốt trước cái xấu, của ánh sáng trước bóng tối. Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ cảm nhận không khí lễ hội ấm áp, rũ bỏ hiềm khích, cùng nhau hòa vào niềm vui và cầu nguyện những điều tốt đẹp.