Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Hà Lan nêu rõ: "Từ bây giờ, việc sử dụng mạng che mặt bị cấm tại các cơ sở giáo dục, các tòa nhà và cơ quan nhà nước, cũng như tại các bệnh viện và trên các phương tiện giao thông công cộng".
Luật mới cấm sử dụng tất cả trang phục che mặt, bao gồm cả việc kết hợp mạng che mặt với mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy hay kết hợp với mặt nạ trượt tuyết, tại các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể sử dụng mạng che mặt ở trên đường. Những đối tượng vi phạm có thể bị phạt 150 euro (165 USD).
Tuy nhiên, ngành vận tải công cộng cho biết sẽ không thể ngừng hoạt động để chờ một phụ nữ cởi mạng che mặt bởi việc này sẽ gây nên sự chậm trễ cho các phương tiện giao thông. Trong khi đó, các bệnh viện tuyên bố sẽ vẫn điều trị cho những bệnh nhân dù họ có đeo mạng hay không.
Trước đó, hồi tháng 6/2018, Hạ viện Hà Lan đã thông qua dự luật này sau hơn một thập kỷ tranh cãi chính trị. Dự luật này đã được nghị sỹ theo đường lối cực hữu Geet Wilder đề xuất từ năm 2005.
Các nghị sỹ Hà Lan cho rằng chủ trương này sẽ giúp đảm bảo an toàn tại các trường học, bệnh viện hay trên phương tiện giao thông công cộng, song giới phân tích cho rằng mục đích của luật này là nhằm ngăn cấm các loại khăn che mặt của người Hồi giáo như Burqa và niqab.
Một số ý kiến khác cho rằng việc áp dụng luật cấm này là không cần thiết, bởi với khoảng từ 200-400 phụ nữ tại Hà Lan sử dụng burqa hoặc niqab, không có nhiều khả năng nhóm người này gây ra mối đe dọa tại các nơi công cộng.
Như vậy, Hà Lan là quốc gia châu Âu tiếp theo ban hành lệnh cấm sử dụng mạng che mặt của người Hồi giáo, sau khi các nước khác như Bỉ, Pháp, Đan Mạch và Tây Ban Nha có động thái tương tự.