Theo đài truyền hình CNN, vụ giết người ở tỉnh Sơn Đông đã thu hút sự chú ý của công chúng sau khi đoạn phim được một nhân chứng quay đăng lên mạng ngày 26/6.
Trong video, một người đàn ông liên tục lái xe cán qua một người phụ nữ. Sau đó cảnh sát xác định người phụ nữ là vợ của anh ta. Nhiều lần, người đàn ông ra khỏi xe để kiểm tra xem người phụ nữ còn sống hay không trước khi tiếp tục hành động tấn công.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 27/6, cảnh sát thành phố Dongying cho biết người đàn ông 37 tuổi đã bị tạm giữ sau khi anh ta đâm xe đến chết người vợ 38 tuổi của mình vì “mâu thuẫn gia đình”. Vụ việc vẫn đang được điều tra.
Đến sáng 28/6, vụ việc đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi nhất trên Weibo, thu hút 300 triệu lượt xem.
Nhiều người tỏ ra kinh hoàng trước mức độ tàn bạo thể hiện trong vụ tấn công, sau hai vụ bạo lực gia đình và giết người khác liên quan đến nạn nhân là phụ nữ đã thu hút sự chú ý của công chúng trước đó.
Tháng trước, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông đã đâm chết vợ và chị dâu. Người vợ được cho là đã phải chịu đựng bạo lực gia đình nhiều năm và đang lên kế hoạch ly hôn.
Tuần trước, một người phụ nữ ở Thành Đô đã phải điều trị 8 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt sau khi bị chồng tấn công trong phòng khách sạn vào tháng 4 vì anh ta phát hiện cô nộp đơn xin ly hôn và có lệnh được bảo vệ từ tòa án. Theo lời kể của nạn nhân, cô bị đánh đập tổng cộng 16 lần trong 2 năm chung sống với chồng.
Trong các bài đăng trực tuyến thu hút nhiều thảo luận, các cư dân mạng trẻ tuổi coi đây là những câu chuyện cảnh báo trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhiều người cho rằng việc bảo vệ các nạn nhân do bạo lực gia đình là không đủ và các nạn nhân khó thoát khỏi những cuộc hôn nhân bị bạo hành.
“Không có gì lạ khi bây giờ mọi người đều sợ kết hôn”, một bình luận phổ biến trên mạng xã hội Weibo với hơn 4.000 lượt thích.
Thậm chí câu nói phổ biến trong giới phụ nữ trẻ Trung Quốc “Hãy giữ an toàn cho bản thân bằng cách tránh kết hôn và sinh con” cũng xuất hiện trên các trang thảo luận.
Những hoài nghi như trên đã đặt ra một thách thức đối với chính phủ Trung Quốc, vốn đang rất chất vật để đảo ngược tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ đang giảm dần của đất nước trước cuộc khủng hoảng dân số. Ngày càng có nhiều thanh niên trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân hoàn toàn do gánh nặng tài chính liên quan và sự bất bình đẳng giới.
“Mặc dù hôn nhân có thể mang lại một số lợi ích, nhưng nó thực sự là một hạn chế đối với phụ nữ và ngày càng có nhiều phụ nữ nhận thức được điều này”, Feng Yuan, một học giả về nữ quyền kiêm người đồng sáng lập Equality, một nhóm vận động cho quyền của phụ nữ và bình đẳng giới ở Bắc Kinh, cho hay.
Tại Trung Quốc, từ xưa, bạo lực gia đình được coi là vấn đề riêng tư của gia đình. Sau hai thập kỷ các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ vận động, cuối cùng, quốc gia này đã áp đặt luật chống bạo lực gia đình vào năm 2016.
Luật định nghĩa bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực thể xác và tâm lý, cho phép các tòa án ban hành lệnh bảo vệ nạn nhân và cảnh sát đưa ra các cảnh báo bằng văn bản đối với những kẻ lạm dụng.
Mặc dù luật đã mang lại một số tiến bộ trong việc bảo vệ nạn nhân và nâng cao nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, nhưng các chuyên gia cho rằng việc thực thi luật vẫn còn không hiệu quả. Một phần là do văn hóa gia trưởng đã ăn sâu của quan điểm của xã hội và những rào cản tồn tại lâu dài trong hệ thống tư pháp.
Học giả Feng chỉ ra ở nhiều nơi, cảnh sát vẫn coi các vụ bạo lực gia đình là chuyện gia đình. “Bạo lực giữa các thành viên trong gia đình không được đánh giá nghiêm trọng như bạo lực giữa những người xa lạ. Các vụ việc thường được cảnh sát và tòa án xử lý nhẹ nhàng. Vì vậy, nhiều nạn nhân không nhận được sự giúp đỡ hiệu quả và kịp thời”, nữ học giả giải thích.
Đối với một số thanh niên Trung Quốc, nỗi sợ hôn nhân cũng bắt nguồn từ việc khó thoát khỏi nó, đặc biệt khi mối quan hệ trở nên mang tính chất bạo lực.
Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt quy định “thời gian tạm hoãn” kéo dài 30 ngày đối với các cặp vợ chồng muốn ly thân. Đây là nỗ lực ngăn chặn tỷ lệ ly hôn gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng dân số rình rập.
Tuy nhiên, chính sách này đã bị một bộ phận dư luận chỉ trích vì cho rằng nó có khả năng khiến mọi người rơi vào những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc thậm chí bị lạm dụng.
Về phần mình, Bộ Nội vụ Trung Quốc lý giải “thời gian tạm hoãn” chỉ áp dụng cho ly hôn thuận tình được nộp trong hệ thống dân sự. Nạn nhân của bạo lực gia đình có thể nộp đơn ly hôn tại tòa án.