Hà Lan, Đức và Áo nằm trong nhóm nước áp dụng quy định hạn chế sớm nhất. Trong đó, Hà Lan là nước triển khai quyết liệt nhất khi triển khai đóng cửa trên quy mô toàn quốc bắt đầu từ ngày 18/12. Đức cũng sớm siết chặt yêu cầu kiểm soát, cách ly đối với du khách đến từ Anh và một số quốc gia khác ở châu Âu được định danh thuộc “khu vực biến thể virus”.
Từ ngày 20/12, chỉ có công dân Đức hoặc hành khách thuộc diện quá cảnh mới được phép từ Anh vào Đức. Những người này sau khi nhập cảnh cũng phải thực hiện cách ly 14 ngày, bất kể là người đã hoàn tất tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hay chưa. Quy định mới cũng áp dụng với khách đến từ Pháp, Đan Mạch và Na Uy, với thời hạn cách ly ít nhất 5 năm ngày nếu chưa tiêm vaccine hoặc đã nhiễm COVID-19 và đã phục hồi.
Áo, nước vừa thoát khỏi tình trạng đóng cửa toàn quốc, cho biết sẽ chỉ cho phép người đã hoàn tất tiêm chủng vaccine được nhập cảnh. Những người chưa tiêm mũi tăng cường sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm COVID-19 trước khi vào Áo.
Tại Hà Lan, chính phủ áp quy định đóng đóng cửa quán bar, cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, phòng tập gym cho đến sớm nhất là ngày 14/1/2022. Các sự kiện thể thao chuyên nghiệp diễn ra trong điều kiện không có khán giả. Hộ gia đình chỉ được phép mời tối đa bốn khách tới nhà dịp lễ Noel và xuống còn hai khách sau kỳ lễ.
Dù chưa nước nào triển khai biện pháp mạnh tay hơn Hà Lan, nhưng chính quyền các nước đang đứng trước sức ép từ giới khoa học, khuyến nghị cần phải hành động nhanh hơn. Ireland từ ngày 20/12 áp lệnh giới nghiêm sau 20 giờ hàng ngày đối với quán bar, nhà hàng sau khi chính phủ nước này nhận được khuyến nghị từ giới chuyên gia y tế về đóng cửa các địa điểm ăn uống sau 17 giờ. Giới chuyên gia cảnh báo Ireland có thể đối mặt với kịch bản 20.000 ca nhiễm mới/ngày và trong trường hợp tệ nhất là có 2.000 ca bệnh nặng, với 400 ca phải điều trị tích cực.
Bộ Y tế Italy cũng vừa phát thông báo tới chính quyền các vùng, đề nghị tăng cường biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 cũng như nguy cơ bùng phát các trường hợp phải nhập viện. Tại Campania, khu vực bao gồm vùng duyên hải Naples và Amalfi, chính quyền cấm tụ tập trong không gian kín, kể cả các bữa tiệc giành cho trẻ em.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha – hai quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vaccine thuộc nhóm cao nhất tại châu Âu, cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng siết chặt các quy định hạn chế trong bối cảnh Omicron có chiều hướng lây lan nhanh. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi mở cuộc họp trực tuyến đặc biệt trong ngày 22/12 với sự tham gia của chính quyền các khu vực trên cả nước nhằm thảo luận, đánh giá về khả năng áp dụng các quy định hạn chế mạnh hơn nữa.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 19/12, ông Sanchez cho rằng tình trạng lây nhiễm COVID-19 bùng phát là “một nguy cơ thực sự”. Nhưng ông cũng khẳng định dù số ca nhiễm mới tính theo ngày tăng, số bệnh nhân phải nhập viện vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm một năm trước đây.
Anh lâu nay luôn được coi là kênh “tham chiếu” cho châu Âu và Mỹ trong đánh giá về xu hướng dịch bệnh. Và diễn biến trong thời điểm hiện nay cho thấy một bức tranh tổng thể không mấy tích cực. Ngày 19/12, nước Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể này xuất hiện tại đây. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh hiện là 37.101 ca.
Trong một thông báo, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo đã ghi nhận 82.886 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, thấp hơn so với mức 90.418 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 11.361.387 ca.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cùng ngày nói rằng không loại trừ khả năng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sẽ áp thêm biện pháp hạn chế trước Giáng sinh. Ông nói rằng chính phủ đang “nghiêm túc” thực hiện lời khuyên của các nhà khoa học, đang theo dõi số liệu kỹ càng và sẽ cân nhắc cả tác động của các biện pháp hạn chế đối với doanh nghiệp và ngành giáo dục. Trước đó, chính ông Javid cũng từng cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh, thậm chí số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người không làm xét nghiệm.
Thống kê chính thức cho thấy hơn 89% dân số từ 12 tuổi trở lên tại Anh đã tiêm 1 mũi vaccine trong khi tỷ lệ tiêm đủ liều là 81%. Hơn 48% dân số nước này đã tiêm mũi tăng cường.