Trong nỗ lực nhằm làm suy yếu nguồn lực tài chính cung cấp cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, ngày 24/9, quân đội Mỹ đã phối hợp với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tiến hành các đợt không kích mới nhằm vào 12 mục tiêu của IS ở bên trong lãnh thổ Syria, trong đó có một số nhà máy lọc dầu do lực lượng này kiểm soát. Chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USS George H. W. Bush sau khi xuất kích tấn công mục tiêu IS tại Syria. |
Tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ đây là lần đầu tiên liên quân tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở dầu mỏ ở miền Đông Syria với mục tiêu cắt giảm nguồn thu nhập chủ chốt của IS. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Hải quân John Kirby, trong đợt không kích này, liên quân cũng đã phá hủy 8 phương tiện quân sự của nhóm phiến quân nguy hiểm này.
Cùng với nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch không kích, cùng ngày, Mỹ cũng đã liệt hơn 20 đối tượng và tổ chức vào "danh sách đen", trong đó có các phần tử cực đoan thuộc IS. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt 2 tổ chức và 10 cá nhân vào danh sách khủng bố nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ liệt 11 đối tượng cùng tổ chức Hilal Ahmar (HASI) ở Indonesia vào "danh sách đen" với tội danh hậu thuẫn tài chính cho các tay súng và tổ chức cực đoan tại Syria và các nước khác. Trong số này có một số lãnh đạo cấp cao của IS như Amru al-Absi, thủ lĩnh IS ở Homs (Syria) và Tarkhan Tayumurazovich Batirashvili, công dân Gruzia nắm cương vị thủ lĩnh quân sự của IS.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ cho biết những cá nhân và tổ chức trên đều có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và các "chân rết" của tổ chức này như IS, Mặt trận al-Nusrah ở Syria và Jemaah Islamiyah ở Đông Nam Á. Theo lệnh trừng phạt, các cá nhân và tổ chức trên sẽ bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí, đi lại và phong tỏa tài sản. Công dân Mỹ bị cấm có quan hệ giao dịch với những đối tượng này.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày có bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó ông hối thúc cộng đồng quốc tế tham gia vào "liên minh rộng lớn" do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt các phần tử thánh chiến cực đoan ở Iraq và Syria. Tại phiên họp, cơ quan quyền lực nhất của LHQ cũng đã chính thức phê chuẩn nghị quyết do Mỹ đệ trình, trong đó có các điều khoản ngăn chặn và nghiêm cấm việc chiêu mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị, huấn luyện ....cho các phần tử cực đoan âm mưu tiến hành khủng bố.
Không kích làm thay đổi tương quan lực lượng ở Syria
Theo nhận định hôm 24/9 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh), chiến dịch không kích mà Mỹ và đồng minh đang triển khai nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng ở Syria. Về lâu dài, nó sẽ tác động đến môi trường chiến lược cũng như trật tự khu vực Trung Đông khi các nước điều chỉnh chính sách đối ngoại.
Một khu dinh thự của IS trước và sau khi bị Mỹ không kích.
|
Phiến quân IS hiện đang nắm quyền kiểm soát phần lớn thung lũng Euphrates, nhưng lại đối đầu với cả lực lượng nổi dậy Syria lẫn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Khai hỏa từ đêm 22/9, chiến dịch không kích của Mỹ không chỉ nhằm hủy diệt căn cứ địa của IS trên lãnh thổ Syria, mà còn tranh thủ tấn công một số nhóm Hồi giáo cực đoan khác mà Washington cáo buộc có dính líu đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Vì vậy, chiến dịch này vừa mang đến cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho tất cả các bên liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria hiện nay.
EIU cho rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ tìm cách liên kết với nhau nhằm trả đũa Mỹ sau chiến dịch không kích. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực trợ giúp lực lượng nổi dậy Syria mà Washington đang triển khai. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Assad sẽ cố gắng nối lại những mối liên hệ về chính trị với các quốc gia Arập khác và cả Phương Tây nhằm cải thiện quan hệ, đồng thời tăng cường hợp tác chống IS.
TTXVN/Tin Tức