Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) ngày 6/3 cho biết hoạt động sản xuất dầu đã bị đình chỉ tại các mỏ Al-Sharara và Al-Fil rộng lớn, sau khi các tay súng cắt đứt đường ống dẫn dầu của tập đoàn. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về Libya Stephanie Williams cho biết bà đang quan tâm theo dõi các báo cáo về vụ việc. Trong một bài viết trên mạng xã hội Twitter, bà Williams nói rằng việc ngăn chặn sản xuất dầu sẽ tước đi nguồn thu chính của tất cả người dân Libya và việc phong tỏa dầu nên được dỡ bỏ. Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland cũng kêu gọi dỡ bỏ lập tức lệnh phong tỏa.
Doanh thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Libya, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, nơi có trữ lượng dầu ước tính lớn nhất châu Phi. NOC cho biết lệnh phong tỏa mới nhất sẽ làm giảm 35 triệu USD doanh thu mỗi ngày của Libya. Tập đoàn này đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng vào ngày 6/3, một động thái pháp lý cho phép các bên khỏi nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng, khi họ không thể đáp ứng bởi các yếu tố như chiến tranh hoặc thiên tai.
Libya đã trải qua một thập kỷ hỗn loạn kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Các cơ sở lắp đặt dầu mỏ của nước này thường bị tấn công hoặc phong tỏa bởi các nhóm vũ trang tìm kiếm sự nhượng bộ về việc làm hoặc doanh thu. Lệnh phong tỏa mới nhất được đưa ra khi giá dầu thô tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại do lo ngại về nguồn cung, sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, với giá dầu Brent Biển Bắc đạt gần 140 USD/thùng vào ngày 7/3.