Trong các tuyên bố riêng biệt, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) và Ủy ban Giám sát và Đánh giá hỗn hợp tái cấu trúc (RJMEC) đã kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ nội dung và tinh thần của thỏa thuận hòa bình. Người đứng đầu UNMISS Nicholas Haysom cho biết việc Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM-IO) quyết định đình chỉ tham gia vào các cơ chế an ninh của thỏa thuận này là rất đáng lo ngại. Theo ông Haysom, UNMISS đã thừa nhận một số lo ngại do SPLM-IO gây ra, đặc biệt là tình trạng xung đột bạo lực gia tăng lên mức đáng báo động ở các bang Upper Nile và Unity, ảnh hưởng trực tiếp đến các địa điểm đóng quân của UNMISS cũng như những dân thường vô tội.
Ông Haysom cho biết thêm giai đoạn chuyển tiếp còn chưa đầy 12 tháng và điều quan trọng là tất cả các bên phải tiếp tục nỗ lực hết sức duy trì lệnh ngừng bắn và hướng tới việc thực hiện tất cả các tiêu chuẩn còn tồn tại để các cuộc bầu cử tự do và công bằng có thể diễn ra. Ông nhấn mạnh không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Nam Sudan, tất cả các đảng phái chính trị cần gác lại những bất đồng vì các lợi ích lớn hơn, đó là hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng.
Cũng theo người đứng đầu UNMISS, phái bộ này sẵn sàng mở rộng sự hỗ trợ của mình trong vấn đề trên.
Về phần mình, RJMEC lưu ý tới những quan ngại và hậu quả liên quan đến việc các bên liên quan đang rút khỏi thỏa thuận hòa bình, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này. Chủ tịch lâm thời RJMEC Charles Tai Gituai cho biết các giám sát viên đối với thỏa thuận ngừng bắn đã được chỉ đạo để điều tra các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng giữa SPLA-IO và những người ly khai từ Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Nam Sudan (SSPDF) tại các bang Upper Nile và Unity.
Theo ông Gituai, những hoạt động gây chia rẽ như vậy sẽ làm phức tạp quá trình thống nhất, làm mất tinh thần và gây ra sự ngờ vực trong quân đội. Một lực lượng thống nhất phụ thuộc vào sự gắn kết đối với khả năng hoạt động như một lực lượng chuyên nghiệp. Ông Gituai cũng kêu gọi chính phủ đoàn kết hoàn thành các Thỏa thuận An ninh chuyển tiếp, bao gồm việc giải quyết các vấn đề về tỷ lệ chỉ huy và lực lượng thống nhất, cũng như tái triển khai lực lượng này.