Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Iraq - một trong 5 quốc gia trên thế giới được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, ông Turk nhấn mạnh: "Nhiệt độ tăng kết hợp với hạn hán cùng thực trạng mất đa dạng sinh học là lời cảnh báo đối với Iraq cũng như toàn thế giới". Nhìn vào thực tế ở Iraq cũng là suy đoán cho tương lai của thế giới.
Bên cạnh đó, Cao ủy nhân quyền LHQ cũng nhắc lại cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra hồi tháng trước về việc "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu đã đến". Theo ông, đây là điều mà con người đang phải sống chung và chứng kiến hằng ngày.
Theo lý giải của chính quyền Iraq, ngoài vấn đề lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng, việc xây dựng đập ở thượng nguồn của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ảnh hưởng đến lượng nước ở các sông Tigris và Euphrates chảy qua Iraq. Ở vùng cực Nam của Iraq, độ mặn cao đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá ở tuyến đường thủy Shatt al-Arab - nơi hai con sông Tigris và Euphrates hợp lưu, trước khi đổ vào Vùng Vịnh.
Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani cam kết chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Iraq vẫn chưa đạt được nhiều kết quả cụ thể.