Hơn một năm làm báo ở Liên hợp quốc, chưa khi nào tôi thấy diễn đàn này lại nóng như mấy hôm nay. Nóng từ các đại lộ, con phố ở quận Manhattan dẫn đến trụ sở LHQ ở phía đầu Đại lộ 1, nóng đến mọi căn phòng của một trong những tòa nhà đẹp nhất New York này, bởi cả những người đang đến đây, lẫn ai đang ở đấy đều râm ran bàn tán, lo âu trước việc Mỹ và phương Tây sắp can thiệp quân sự chống Syria.
Đâu là cơ sở pháp lý để can thiệp?
Mục tiêu tối thượng của LHQ là gìn giữ hòa bình và an ninh cho nhân loại, nó chỉ cho phép một quốc gia hay một nhóm nước can thiệp quân sự, nghĩa là gây chiến, dựa trên 2 cơ sở pháp lý: Thứ nhất là trợ giúp các quyền tự vệ chính đáng của một nước, hoặc một nhóm nước khi bị xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược. Và thứ hai, đó là "trách nhiệm bảo vệ công dân", hay còn gọi là R2P, cho phép đưa quân đến một quốc gia nào đó nếu chính quyền ở đấy không bảo vệ công dân khỏi nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và những tội ác chống nhân loại, trong đó có việc sử dụng vũ khí hóa học.
Cuộc sống của người dân Syria đang bị bóng ma chiến tranh đe dọa. Kyodo/TTXVN |
Ngay cả khi đã có cơ sở pháp lý rồi, việc can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền cũng chỉ được phép bắt đầu khi được ít nhất 9 trong số 15 nước thành viên Hội đồng bảo an đồng ý, và không có Ủy viên thường trực nào của HĐBA, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh, phủ quyết. Chưa hết, theo Điều 42, Chương 7 Hiến chương LHQ, việc cho phép sử dụng vũ lực cũng chỉ là “cực chẳng đã”.
Với Syria, lý do thứ nhất không thể tìm ra, vì nó không bị xâm lược, cũng không đe dọa xâm lược ai, cho dù đã có những nước láng giềng của Syria khi thấy vài viên đạn lạc, hoặc mấy cuộc pháo kích do phe đối lập ở Syria chủ mưu, cố kêu toáng lên như đang bị tấn công nhằm thỏa mãn cơ sở pháp lý thứ nhất. Nhưng cuối cùng những toan tính ấy đã thất bại, vì người Syria đã làm tất cả để không bị vào tròng.
Một khi đã rắp tâm đánh đổ Syria, lý do thứ nhất không có, người ta quyết tìm cái thứ hai. Và thế là họ đã làm ồn ào chuyện vũ khí hóa học đã được sử dụng ở đấy, nhưng ai sử dụng, sử dụng ở đâu, thì câu trả lời vẫn cứ “chung chung trừu tượng”, chỉ gần đây mới đổ riệt cho quân chính phủ cho dù các thanh sát viên của LHQ chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Và bên chủ chiến không muốn đợi kết quả điều tra nữa, xưng xưng dọa sẽ đánh Syria, bỏ qua “đèn xanh” của HĐBA.
LHQ lại bị qua mặt?
Vâng, nếu Syria bị can thiệp quân sự, một lần nữa, LHQ lại bị “đặt sang bên” sau hơn một lần như thế, đó là cuộc can thiệp của NATO vào Nam Tư năm 1999, hay cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây vào Iraq năm 2003.
Đúng là chỉ còn cách “qua mặt” LHQ, phương Tây mới có thể tấn công được Syria, bởi dường như chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ không bị mắc lừa thêm một lần nữa khi họ không bỏ phiếu chống cuộc tấn công Libya cách đây chưa lâu. Và chắc chắn cuộc can thiệp này sẽ kéo dài thêm những bất đồng và mâu thuẫn trong HĐBA và LHQ nói chung, sau khi Nga và Trung Quốc đã ba lần (tháng 10/2011, tháng 2/2012 và tháng7/2012) phủ quyết các dự thảo nghị quyết trừng phạt và can thiệp quân sự vào Syria.
Có những nhận định cho rằng LHQ dường như đang ở trong thế, lúc người ta cần, nó rất quan trọng, còn không, họ cứ “mời bác” đứng sang bên. Và chính thực trạng ấy đã khiến nhu cầu phải nhanh chóng cải tổ LHQ để nó mạnh hơn, độc lập hơn, thực sự đa phương hơn, và để bớt đi tối đa những ai cứ lợi dụng nó mãi cho lợi ích riêng của mình..., trở thành đòi hỏi cấp thiết của đại đa số 193 quốc gia thành viên, bởi đấy mới là lợi ích tối đa và bình đẳng của họ.
Cách thức can thiệp và hậu quả
Theo báo chí Mỹ, nếu can thiệp vào Syria, kịch bản tấn công Nam Tư năm 1999 sẽ được áp dụng trở lại, nghĩa là không dùng bộ binh, thay vào đó, tên lửa Tomahawk sẽ được “câu” từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải vào những vị trí thiết yếu của Syria, mà phe đối lập đã “khoanh tròn” trên bản đồ gửi cho phương Tây.
Mỹ sẽ không một mình xung trận, điều đó phù hợp với quan điểm của Tổng thống Barack Obama, cùng chia sẻ trách nhiệm với các đồng minh. Và nữa, Mỹ chủ trương không kéo dài cuộc chiến, chỉ ồ ạt nã tên lửa trong ba bốn ngày rồi dừng lại, đủ để quân chính phủ không còn đủ sức đương đầu với phe nổi dậy.
Nhiều nhà ngoại giao ở LHQ nhận định cho dù chỉ diễn ra trong nháy mắt như thế, nhưng hậu quả của cuộc chiến này vẫn là khôn lường, sẽ tác động đến toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh chỗ nào cũng hết tiền, thiếu gạo như hiện tại. Đấy là còn chưa nói đến nguy cơ một làn sóng bạo lực, khủng bố tàn bạo mới, không chỉ ở Trung Đông, mà là khắp nơi, kể cả trong lòng nước Mỹ, nhất là khi Syria thời hậu chiến sẽ lặp lại những gì đang diễn ra ở Iraq, Afghanistan và Libya... Và khi ấy, thế giới này lại có thêm một khối u nữa, mang tên Syria.
Để điều tệ hại ấy không xảy ra, không gì đúng hơn, thiết thực hơn lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon vừa đưa ra tại La Haye, Hà Lan, đấy là: Hãy tạo cơ hội cho những giải pháp hòa bình và ngoại giao! Hãy gác lại mọi toan tính sử dụng vũ lực, và bắt đầu ngay các cuộc đối thoại! Vâng, chỉ có như vậy mới có thể đẩy lùi được bóng ma chiến tranh ở Syria. Tuyệt đại đa số đang mong như thế, trừ những cái đầu nóng.
Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại LHQ)