Cũng trong ngày 8/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức họp kín về tình hình Myanmar theo đề xuất của Anh, một trong 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ.
Trong thông cáo của LHQ phát ra ngày 8/11, ông Griffiths cho biết tình trạng khủng hoảng tại Myanmar rất nghiêm trọng với 3 triệu người đang cần được hỗ trợ nhân đạo do đất nước bị tê liệt về kinh tế. Người đứng đầu các hoạt động động nhân đạo của LHQ cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng giao tranh hết sức đáng lo ngại ở các bang như Chin, Magway và Sagaing.
Ngoài ra, ông Griffiths cho hay tính tới nay đã có thêm khoảng hơn 37.000 người nữa bị mất chỗ ở và hơn 160 ngôi nhà, kể cả nhà thờ và văn phòng của một tổ chức nhân đạo, đã bị đốt cháy. Quan chức LHQ kêu gọi phải chấm dứt ngay những hành động này bởi các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng của dân thường là không được phép theo luật nhân đạo quốc tế.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử. Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Ngày 26/7 vừa qua, chính quyền quân sự đã hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020 mà trong đó đảng NLD giành chiến thắng.