Libya, cách Italy khoảng 300 km, là điểm khởi hành chủ chốt mà những người di cư mạo hiểm thực hiện hành trình vượt Địa Trung Hải đầy nguy hiểm để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, với những nỗ lực ngày càng tăng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, nhiều người di cư, chủ yếu đến từ các quốc gia châu Phi cận Sahara, đã bị mắc kẹt ở Libya.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/7, Bộ trưởng Nội vụ thuộc Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) tại Tripoli, ông Imad Trabelsi, cho biết hiện có khoảng 2,5 triệu người nước ngoài ở Libya. Ông Trabelsi nói thêm: "Khoảng 70-80% trong số họ đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Libya. Vấn đề nhập cư liên quan đến an ninh quốc gia của chúng tôi. Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề này, vì Libya không thể tiếp tục phải trả giá".
Theo ông Trabelsi, Libya đã chuyển từ một "quốc gia quá cảnh sang quốc gia định cư" và những người di cư không có giấy tờ hợp pháp đều không nộp thuế. Ông Trabelsi nêu rõ việc tái định cư người di cư ở Libya là không thể chấp nhận được. Libya vẫn đang nỗ lực phục hồi sau nhiều năm xung đột và hỗn loạn sau cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011. Các đối tượng buôn lậu và buôn người đã lợi dụng tình trạng bất ổn chính trị và an ninh ở Libya để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Bộ trưởng Nội vụ Libya cho biết thêm kể từ đầu năm 2024, chính quyền Libya đã cho hồi hương 6.000 người di cư thông qua một kế hoạch của Liên hợp quốc (LHQ).
Trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook mới đây, GNU cho hay Tripoli sẽ tổ chức Diễn đàn Di cư xuyên Địa Trung Hải vào ngày 17/7, với sự tham gia của đại diện các Chính phủ ở châu Phi và châu Âu, nhằm tạo ra một chiến lược mới cho các dự án phát triển ở các quốc gia nơi người di cư rời đi. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh EU và Italy đang tăng cường nỗ lực chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp.