LHQ thảo luận dự thảo nghị quyết mới về Xyri

Ngày 6/3, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp cùng quốc gia Arập duy nhất trong 15 thành viên không thường trực HĐBA là Marốc đã họp kín để thảo luận về một dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu ở Xyri.


Theo dự thảo nghị quyết này, chính quyền Xyri cần ngăn chặn bạo lực ngay lập tức, rút các lực lượng an ninh khỏi những thành phố điểm nóng và trả tự do những người chống đối đã bị bắt. Dự thảo cũng kêu gọi lực lượng đối lập "kềm chế mọi hình thức bạo lực" một khi những điều kiện trên đạt được.


Hiện chưa rõ liệu dự thảo nghị quyết của Mỹ có cơ hội thành công ở HĐBA hay không sau khi hai dự thảo nghị quyết trước đó lên án chế độ ở Đamát đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Sau cuộc họp kéo dài 1 tiếng rưỡi trong ngày 6/3, các bên tham dự không đưa ra bình luận chi tiết.


Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho biết "các bên vẫn đang làm việc về dự thảo này". Ông nhấn mạnh Trung Quốc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tại Xyri, ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Đại sứ Lý Bảo Đông lặp lại quan điểm của Bắc Kinh rằng vấn đề Xyri phải do người dân nước này quyết định, bất cứ lực lượng nước ngoài nào cũng không nên can thiệp hay tìm cách thúc đẩy "thay đổi chế độ" ở quốc gia Trung Đông này. Đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Xyri Lí Hoa Tân ngày 6/3 cũng đã tới Đamát để hội đàm với các quan chức chủ nhà về đề xuất 6 điểm vừa qua của Bắc Kinh nhằm chấm dứt bạo lực ở Xyri.



Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon (phải) có cuộc gặp với Đặc phái viên chung của Liên đoàn Arập và LHQ về Xyri, Kofi Annan (trái) để thảo luận về những giải pháp cho tình hình Xyri hiện nay, ngày 29/2. Ảnh: AFP/TTXVN



Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin không bình luận, song trước đó Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Galitov đã nhận xét dự thảo nghị quyết của Mỹ là "không cân bằng". Ngày 6/3, Nga cũng đưa ra cảnh báo phương Tây đừng "mơ tưởng" Mátxcơva sẽ thay đổi quan điểm về giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri sau khi đã kết thúc cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng của ông Vladimir Putin.


Một số nhà ngoại giao giấu tên đánh giá sẽ không có tiến triển nào với dự thảo mới này cho đến khi Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL), ông Kofi Annan và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, bà Valerie Amos hoàn thành những chuyến thăm Xyri trong tuần này. Theo dự kiến, điều phối viên Amos tới Đamát trong ngày 6/3 và ở lại hai ngày với mục đích thuyết phục chính quyền của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad cho phép cứu trợ nhân đạo vào những thành phố điểm nóng an ninh như Homs. Trong khi đó, ông Annan sẽ tới Xyri ngày 10/3 để thúc đẩy vấn đề cứu trợ nhân đạo, cũng như thuyết phục Tổng thống Assad chấm dứt bạo lực.


Cùng ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả tình trạng bạo lực ở Xyri là "thương tâm", song cũng cảnh báo khó có giải pháp đơn giản nào có thể giải quyết vấn đề này và một hành động quân sự đơn phương sẽ là "sai lầm". Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng James Mattis cùng ngày nhận định khả năng áp dụng biện pháp can thiệp quân sự để chống lại chế độ ở Xyri sẽ "gặp nhiều thách thức" do quốc gia Trung Đông này sở hữu các vũ khí phòng không hiện đại và có sự hiện diện của các phần tử cực đoan Al-Qaeda.


Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Obama vẫn giữ cam kết thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt bạo lực ở Xyri. Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nêu rõ ông Obama đã nhiều lần kêu gọi lập tức chấm dứt tình trạng bạo lực ở Xyri. Chính quyền Oasinhtơn đang tập trung vào các biện pháp ngoại giao và chính trị, hơn là hành động can thiệp quân sự. Theo người phát ngôn này, cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu đó và mở ra một tiến trình quá độ chính trị là tiếp tục cô lập chế độ hiện nay ở Đamát, cắt đứt các nguồn thu nhập chủ chốt và hối thúc phe đối lập Xyri đoàn kết theo một lộ trình chuyển tiếp rõ ràng.


Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Xyri Simon Collis - người đã cùng các nhân viên ngoại giao nước này rời Đamát hồi tuần trước - cho biết Anh không có kế hoạch vũ trang cho các nhóm chống đối ở Xyri. Đại sứ này cũng cho rằng chế độ của Tổng thống Assad sẽ sụp đổ trước cuối năm nay khi Đamát giống như "một con đập với nhiều vết nứt và sức ép đang gia tăng". Ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng cho biết ngừng mọi hoạt động ngoại giao của đại sứ quán nước này ở Xyri do lo ngại vấn đề an ninh.


Tại Đamát, Tổng thống Xyri Assad tuyên bố quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp cải cách và đấu tranh chống "chủ nghĩa khủng bố". Hãng thông tấn SANA dẫn lời nhà lãnh đạo này khẳng định: "Nhân dân Xyri, những người từng đập tan các âm mưu của nước ngoài.... nay một lần nữa chứng minh rằng họ có khả năng bảo vệ đất nước và xây dựng một nước Xyri mới bằng quyết tâm theo đuổi các biện pháp cải cách và đương đầu với chủ nghĩa khủng bố được nước ngoài hậu thuẫn".


Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Xyri với ít nhất 12 người thiệt mạng ngày 6/3 khi các lực lượng chính phủ phát động một cuộc tấn công lớn vào thị trấn Herak ở tỉnh Daraa, miền Nam Xyri.


TTXVN/Tin Tức

Xyri cảnh báo các phóng viên “chui”
Xyri cảnh báo các phóng viên “chui”

Giới chức Xyri ngày 6/3 kêu gọi các công ty truyền thông quốc tế không đưa các phóng viên tới nước này một cách bất hợp pháp. Đamát cũng cho biết, họ đã cấp phép cho hơn 200 đoàn truyền thông tới thăm những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN