Ngày 5/3, hãng thông tấn chính thức SANA của Xyri cho biết chính quyền nước này đã chấp thuận để điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos thăm Đamát.
Theo kế hoạch, bà Amos sẽ tới Xyri tối 6/3, gặp Bộ trưởng Ngoại giao nước này Walid al-Moallem và người đứng đầu tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Xyri (SRC). Ngoài ra, bà cũng sẽ thăm một số địa điểm ở Xyri.
Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos. Ảnh: Internet. |
Bà Amos tới Xyri theo yêu cầu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon để đánh giá về tình trạng nhân đạo tại nước này. Tuần trước, quan chức phụ trách cứu trợ khẩn cấp này đã bày tỏ sự "thất vọng" sâu sắc khi chưa được Đamát chấp thuận chuyến thăm này.
Cùng ngày, SANA dẫn nguồn tin truyền thông nói rằng Xyri cũng hoan nghênh chuyến thăm của ông Kofi Annan, đặc phái viên chung của LHQ và AL về vấn đề Xyri. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri cho biết Đamát chào đón ông Annan và "đang chờ phản ứng của đặc phái viên này để lên kế hoạch và thời điểm cho chuyến thăm".
Bình luận về việc Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi nói rằng ông Annan sẽ đến Đamát ngày 10/3 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri cho biết họ "không có trao đổi gì với AL". Xyri đã thông báo tới ông Annan rằng chuyến thăm của ông được thông qua, song thời điểm cụ thể "chưa được quyết định".
Những nỗ lực cứu trợ ở các vùng giao tranh quyết liệt giữa lực lượng chính phủ với các nhóm chống đối đã có bước tiến triển mới. Ngày 5/3, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết các đội cứu trợ của tổ chức này đã đến được hai khu vực ngoại ô al-Inshaat và al-Barazil nằm ngay sát quận Baba Amr của thành phố điểm nóng Homs để viện trợ lương thực và chăn mền cho dân chúng. Trong khi đó, truyền hình Xyri cùng ngày phát hình ảnh các nhân viên chính phủ đang dọn dẹp đường phố Baba Amr và nói rằng các nhóm vũ trang đã bị quét sạch khỏi quận này.
Baba Amr đã nổi lên như là tâm điểm của xung đột vũ trang giữa quân đội trung thành với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad với lực lượng nổi dậy, trong đó có các phần tử đào ngũ. Theo các nhà hoạt động, quận ở thành phố Homs này đã bị quân chính phủ oanh tạc gần một tháng và hàng trăm người thiệt mạng kể từ đầu tháng 2. Trong khi đó, Chính phủ Xyri nói rằng quân đội chiến đấu chống các nhóm khủng bố vũ trang cũng như các đối tượng Al Qaeda.
Điểm nóng an ninh giờ chuyển qua thành phố Rastan gần đó, nơi lực lượng nổi dậy được cho là đang củng cố lại đội ngũ sau khi rút khỏi Homs. Theo các nhà hoạt động, lực lượng chính phủ ngày 5/3 đã tiếp tục pháo kích Rastan trong ngày thứ hai liên tiếp, còn trong ngày 4/3 có 7 dân thường thiệt mạng tại đây.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri. Ngày 5/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo ông sẽ nhóm họp với ngoại trưởng các nước Arập tại Cairô (Ai Cập) ngày 10/3 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng Xyri. Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi Ngoại trưởng Côoét, Sabah Khaled al-Sabah thông báo Nga và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng đã lên kế hoạch cho cuộc gặp vào ngày 7/3.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhận xét rằng dự thảo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo trình Hội đồng Bảo an LHQ "không khác nhiều" so với dự thảo mà Nga đã phủ quyết trong tháng trước. Theo ông Gatilov, dự thảo nghị quyết mới này cần mang tính cân bằng hơn. Trước đó, ngày 4/2, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết mà theo đó ủng hộ kêu gọi của AL rằng Tổng thống Xyri al-Assad cần từ bỏ quyền lực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/3 ra thông báo cho biết Bắc Kinh sẽ cử một phái viên khác tới Xyri trong nỗ lực thuyết phục chính quyền Tổng thống al-Assad về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn, đồng thời tái khẳng định việc Trung Quốc phản đối mọi hành động can thiệp của bên ngoài vào vấn đề Xyri. Thông báo cho biết cựu Đại sứ Trung Quốc tại Xyri Lý Hoa Thanh dự kiến tới Đamát trong hai ngày 6-7/3. Vừa qua, Trung Quốc đưa ra tuyên bố sáu điểm về vấn đề Xyri, trong đó tái khẳng định cuộc khủng hoảng tại Xyri hiện nay cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.
Tại Mỹ lại có thêm lời kêu gọi cho khả năng nước ngoài can thiệp vào cuộc khủng hoảng Xyri. Ngày 5/3, Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Mỹ John McCain cho rằng Oasinhtơn cần đi đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm khơi mào cho các cuộc không kích chống Xyri.
Cùng ngày, chính quyền Mỹ đã đưa thêm Đài phát thanh và Truyền hình Xyri vào danh sách cấm vận của Mỹ mà theo Oasinhtơn là vì vai trò của các đài này trong việc "hậu thuẫn các cuộc đàn áp của chính phủ với những người chống đối".
Ngày 5/3, Canađa tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Xyri do tình trạng bạo lực tiếp diễn. Ngoại trưởng Canađa John Baird cũng công bố thêm các lệnh trừng phạt đối với Xyri, bao gồm cấm hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ tài chính và các dịch vụ có liên quan khác cho Xyri, cũng như toàn bộ giao dịch với Ngân hàng Trung ương Xyri và 7 quan chức cao cấp Xyri có liên quan tới bạo lực. Đây là lần trừng phạt thứ sáu của Canađa đối với Xyri.
TTXVN/Tin Tức