Một tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn một thập niên ở Libya đã bị đình trệ kể từ khi cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 sụp đổ, trong bối cảnh các phe phái đối địch ở nước này bất đồng sâu sắc về điều kiện của các ứng cử viên chủ chốt. Libya đã rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị kể từ cuộc chính biến năm 2011. Vào năm 2014, Libya bị chia rẽ bởi hai chính quyền đối địch ở miền Đông và miền Tây.
Trong một tuyên bố, UNSMIL cho hay Ủy ban Cố vấn, bao gồm 13 thành viên nam và 7 thành viên nữ, sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên vào tuần tới tại Tripoli. Tuyên bố của UNSMIL nêu rõ: "Vai trò của Ủy ban Cố vấn sẽ là phát triển các đề xuất hợp lý về mặt kỹ thuật và khả thi về mặt chính trị để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi còn tồn đọng để cho phép tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia ở Libya". UNSMIL giải thích thêm Ủy ban Cố vấn không phải là một cơ quan ra quyết định hay một diễn đàn đối thoại.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Abdulhamid Al-Dbeibah đứng đầu, đã được thành lập thông qua một quy trình do Liên hợp quốc bảo trợ vào năm 2021. Tuy nhiên, Hạ viện Libya (HoR) có trụ sở tại thành phố Benghazi không công nhận tính hợp pháp của GNU. Về phần mình, ông Dbeibah đã tuyên bố sẽ không trao quyền lực cho một chính phủ không được bầu.
Vào tháng 1/2025, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã bổ nhiệm bà Hanna Serwaa Tetteh, một cựu quan chức chính phủ của Ghana, vào vị trí Đặc phái viên LHQ về Libya và người đứng đầu UNSMIL.