LHQ sẽ can thiệp vụ tàu chiến Argentina bị bắt nợ

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thư ký Ban Ki-moon ngày 22/10 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman cho biết người đứng đầu LHQ đồng ý can thiệp với chính phủ Ghana để giải quyết vụ tàu chiến Argentina bị bắt nợ tại quốc gia châu Phi này.

 

 

Ngoại trưởng Timerman gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Nguồn: AFP

 

Theo chỉ thị của Tổng thống Cristina Fernández, ông Timerman đã tới LHQ để tố cáo vụ chiếc tầu chiến Libertad bị bắt giữ bất hợp pháp từ ngày 2/10 theo lệnh của tòa án Ghana, sau khi NML Capital Ltd kiện chính phủ Argentina vẫn chưa thanh toán khoảng 300 triệu USD trái phiếu mà quỹ đầu tư này đã mua trước khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001.

 

Ngoại trưởng Héctor Timerman gặp gỡ báo chí. Nguồn: AFP

 

NML Capital thuộc sở hữu của tỷ phú người Mỹ Paul Singer, người chuyên mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị thật tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi. Quỹ này không chấp nhận tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ do chính phủ Argentina triển khai năm 2005 và 2010, trong khi 93% những người mua trái phiếu đã chấp thuận.

 

Buenos Aires coi vụ bắt giữ tàu này là bất hợp pháp vì theo Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, tàu chiến được quy chế miễn trừ chủ quyền. 

 

Trong một thông cáo đưa ra cùng ngày, Bộ ngoại giao Argentina cho biết đã thuê riêng một chuyến bay của hãng hàng không Pháp Air France để sơ tán 281 người trên tàu - trong đó có hơn 30 người nước ngoài - và chuyến bay sẽ hạ cánh tại Buenos Aires ngày 24/10. Sau đó, trên tàu sẽ chỉ còn thuyền trưởng và 44 thuyền viên, là lượng thủy thủ tối thiểu để vận hành tàu.

 

Quyết định sơ tán người trên tàu Libertad- tàu huấn luyện và là biểu tượng của Hải quân Argentina- được Tổng thống Cristina đưa ra nhằm bảo toàn “sự toàn vẹn thân thể và phẩm giá” của họ, do tòa án Ghana cấm cung cấp nhiên liệu cho tàu.

 

Thông cáo nêu rõ Argentina sẽ kiện NML Capital trước các tổ chức quốc tế và “quỹ kền kền” này sẽ phải chịu toàn bộ những chi phí cũng như thiệt hại do việc bắt giữ bất hợp pháp trên gây ra.

 

Theo bà Patricia O´Brien, cố vấn pháp lý của LHQ, trước đó, trên thế giới chỉ xảy ra một vụ xiết nợ tương tự cách đây hơn 10 năm, khi một chiếc tàu chiến của Nga bị bắt giữ tại một cảng của Pháp. Sau khi ngành tư pháp của Pháp ra phán quyết chiếc tàu không thể bị tịch biên, bên đề nghị bắt giữ phải trả toàn bộ án phí cùng với một khoản tiền phạt 250.000 franc và một khoản bồi thường 250.000 franc cho chủ tàu.

 

 

Quang Sơn

 

 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN