Tuyên bố mới nhất của OCHA nêu rõ những thách thức khác nhau bao gồm mất an ninh, cướp bóc, quan liêu, kết nối mạng Internet và điện thoại kém, lực lượng nhân đạo tại chỗ hạn chế và thiếu kinh phí đã tác động đến việc hỗ trợ nhân đạo ở nhiều nơi tại Sudan. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhiên liệu cũng khiến ảnh hưởng tới việc di chuyển của các nhân viên nhân đạo và gây khó khăn cho các hoạt động như duy trì kho lạnh và cung cấp nước.
Bất chấp những thách thức này, OCHA cho biết các đối tác nhân đạo vẫn đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ quan trọng cho những người dễ bị tổn thương mà họ có thể tiếp cận. Tuy nhiên, OCHA cũng lưu ý rằng tính tới ngày 4/1, Kế hoạch ứng phó nhân đạo sửa đổi năm 2023 cho Sudan chỉ mới được tài trợ hơn 40%.
Sudan đang phải đối mặt với tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi kể từ khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác vào ngày 15/4/2023. Theo số liệu được OCHA công bố hồi tháng 12 năm ngoái, ước tính hơn 12.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ khi xung đột SAF-RSF bùng phát.