Phiến quân Houthi phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào sân bay ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 5/11. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Tuyên bố được 15 nước thành viên của HĐBA LHQ đưa ra ngày 22/12 bày tỏ sự lo ngại về ý định công khai của phiến quân Houthi tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào Saudi Arabia, cũng như thực hiện các cuộc tấn công khác đối với những quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, HĐBA LHQ cũng kêu gọi thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với lực lượng Houthi và kêu gọi các bên liên quan tại Yemen bắt đầu đàm phán nhằm giải quyết vấn đề chính trị.
Hôm 19/12 vừa qua, liên minh quân sự, do Saudi Arabia đứng đầu, chống phiến quân Houthi tại Yemen cho biết đã đánh chặn thành công một tên lửa nhằm vào Riyadh. Phiến quân Houthi tuyên bố đã phóng tên lửa Volcano 2-H nhằm vào Cung điện Hoàng gia al-Yamamah tại Riyadh, nơi Quốc vương Saudi Arabia Salman làm việc và chủ trì các cuộc họp chính phủ hàng tuần cũng như đón tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Vụ tấn công không gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là vụ tấn công bằng tên lửa thứ 3 nhằm vào thủ đô Riyadh trong năm nay (trước đó là vào tháng 5 và tháng 11), và là vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo thứ 2 mà nhóm phiến quân Houthi tiến hành trong vòng 2 tháng qua. Saudi Arabia cáo buộc Iran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho phiến quân Houthi tại Yemen và các đồng minh, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.