Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu trước báo giới sau phiên tham vấn kín về Syria, Chủ tịch HĐBA Sebastiano Cardi cho biết cơ quan này tái khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy một giải pháp chính trị thông qua tiến trình hòa đàm tại Geneva. Các thành viên HĐBA cũng nhấn mạnh sự tôn trọng đối với chủ quyền, nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Ông Cardi nêu rõ: "Vòng hòa đàm sẽ bắt đầu vào ngày mai (28/11) và chúng tôi thực hy vọng tất cả các bên, bao gồm Chính phủ Syria, sẽ có mặt".
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 17/8. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến của HĐBA, đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura thông báo chưa có xác nhận từ các đại diện của Chính phủ Syria về sự có mặt của phái đoàn Damascus tại Geneva để tham dự vòng đàm phán với phe đối lập về tương lai Syria.
Ông Mistura nêu rõ : “Nếu hai bên có mặt tại Geneva, chúng tôi sẽ có thể bắt tay vào các cuộc thảo luận cụ thể”. Ông cũng đánh giá tích cực sự xuất hiện tại Geneva của một phái đoàn thống nhất đại diện cho các phe phái đối lập, đồng thời nhấn mạnh không chấp nhận bất kỳ bên nào ra điều kiện tiên quyết cho việc tham gia vào hòa đàm.
Tại cuộc họp, đặc phái viên Mistura cũng thông báo một “cuộc họp trù bị” gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) cũng sẽ diễn ra vào ngày 28/11 tại Geneva theo sáng kiến của Paris.
Cuộc họp cho thấy mong muốn của các quốc gia phương Tây muốn can dự trở lại tích cực hơn vào hồ sơ Syria, trước những hoạt động ngoại giao khẩn trương của Nga, vốn được Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ủng hộ.
Ông Mistura cũng cho biết đã đặt ra 4 chủ đề cho hòa đàm lần thứ 8 tại Geneva, đó là việc thành lập một chính phủ có uy tín, có tính đại diện và thống nhất, soạn thảo một hiến pháp mới, chuẩn bị bầu cử “dưới sự giám sát của LHQ” và thảo luận về "cuộc chiến chống khủng bố".
Ngoài ra, đặc phái viên LHQ về Syria cũng nhận định cuộc khủng hoàng tại quốc gia Trung Đông này có khả năng hướng tới một "tiến trình chính trị thực sự". Các bên liên quan đang tìm kiếm sự đồng thuận dựa trên việc thực thi nghị quyết 2254 (năm 2015) của HĐBA, đồng thời hối thúc người Syria cũng tìm kiếm điểm tương đồng. Ông lưu ý rằng đã có một số cuộc họp quan trọng tại Đà Nẵng (Việt Nam) và Sochi (Nga) giữa lãnh đạo các cường quốc trong khi Saudi Arabia có thể trợ giúp tiến trình Geneva.
Hiện một số nhà ngoại giao tại LHQ cũng hy vọng tiến trình hòa đàm Geneva có thể mang lại những kết quả tích cực với sự tham dự của một phái đoàn thống nhất đại diện cho phe đối lập Syria.
Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre nhìn nhận về một cơ hội tốt đẹp hơn cho vòng đàm phán tại Thụy Sĩ sau khi phe đối lập Syria, trong một hội nghị ở Riyadh (Saudi Arabia), đã đạt được thỏa thuận thành lập một đoàn đại biểu thống nhất và đáng tin cậy để dự hòa đàm ở Geneva. Ông nhấn mạnh kết quả quan trọng tại Riyadh giúp củng cố tầm quan trọng của tiến trình Geneva cũng như mang lại những cơ hội mới cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Sau nhiều trì hoãn, dự kiến vòng hòa đàm Syria tại Geneva sẽ khởi động vào ngày 28/11. Tuy nhiên, ngay trước thềm hòa đàm, tờ báo địa phương al-Watan thân Chính phủ Syria đưa tin phái đoàn nước này đã hoãn chuyến đi tới với lý do Damascus không hài lòng với tuyên bố hồi tuần trước của phe đối lập tại hội nghị ở Riyadh. Theo đó, các nhóm đối lập Syria đã giữ nguyên yêu cầu đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi để khởi đầu cho quá trình chuyển tiếp chính trị tại nước này. Chính quyền Syria coi tuyên bố này là “sự trở lại vạch xuất phát".
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định tiến trình hòa đàm Astana (Kazakhstan) nhằm chấm dứt xung đột ở Syria, do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, được xúc tiến song song, thay vì cạnh tranh, với các cuộc đàm phán dài hơi ở Geneva do LHQ bảo trợ.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại London (Anh), ông Yildirim nêu rõ: "Các cuộc hòa đàm tại Astana, các cuộc gặp 3 bên, không phải là một sự thay thế cho (tiến trình đàm phán) Geneva, điều chúng tôi đang nỗ lực làm là chuẩn bị nền tảng cho (các) giải pháp...tại Geneva".
Hôm 19/11, tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Sochi (Nga) về Syria, lãnh đạo 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria với sự tham gia rộng rãi của các phe phái tại quốc gia này nhằm tìm một giải pháp chính trị được các bên chấp thuận. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực của 3 nước bảo trợ các vòng đàm phán tại Astana về Syria, sau những kết quả tích cực như thỏa thuận ngừng bắn khu vực và thiết lập các vùng an toàn tại thực địa.
Đại hội Dân tộc Syria, nếu được tổ chức, có thể trở thành chất xúc tác cho các cuộc đàm phán liên quan như tiến trình đàm phán ở Geneva.