Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Akram đồng thời là Đại sứ của Pakistan tại LHQ nhấn mạnh ông hy vọng Mỹ - nước sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên được phê duyệt, sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới để phân phối vaccine một cách bình đẳng.
Người đứng đầu ECOSOC cũng mong muốn các chính sách sắp tới của ông Biden sẽ phản ánh tinh thần đoàn kết của nước Mỹ với thế giới đồng thời ông cũng hy vọng Mỹ sẽ sớm gia nhập lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo ông Akram, nếu Mỹ và Nga, hai nước đã phát triển thành công vaccine COVID-19, tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do LHQ khởi xướng thì thế giới sẽ có thêm nhiều người được tiêm vaccine hơn.
COVAX do WHO điều phối cùng với Liên minh Cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch và Liên minh vaccine Gavi. Cơ chế này nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới được tiếp cận với vaccine bất kể giàu nghèo, với hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 2 tỷ liều vaccine để phân phối. Hiện 184 nước đã tham gia chương trình này, song hiện Mỹ và Nga (hai nước đã phê chuẩn vaccine tự sản xuất) đều chưa tham gia.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết giới chức nước này đang phối hợp với Pfizer Inc để giúp tối đa hóa năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19, sau khi hãng dược này của Mỹ thông báo có thể phải đối mặt với những thách thức trong sản xuất.
Ông Azar nêu rõ: "Chúng tôi mới đây được Pfizer thông báo rằng có nhiều thách thức có thể gặp phải trong quá trình sản xuất và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng bằng bất kỳ cơ chế nào, chúng tôi có thể cung cấp sự ủng hộ đầy đủ để đảm bảo rằng họ có thể sản xuất cho người dân Mỹ".
Hãng Pfizer chưa đưa ra lời bình luận nào, song Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Albert Bourla đầu tuần này nói với hãng CNBC rằng công ty đang yêu cầu chính phủ sử dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng để hỗ trợ một số "nguồn cung quan trọng bị hạn chế". Tuy nhiên, quan chức này không đề cập tới việc thiếu nguồn cung nào.
Tuần trước, CEO hãng BioNTech SE, đối tác của Pfizer, Ugur Sahin cho biết mục tiêu sản xuất vaccine ban đầu trong năm 2020 của Pfizer là 100 triệu liều đã phải giảm một nửa, phần nào do liên quan tới nguồn cung nguyên vật liệu. Tuy nhiên, quan chức này cho biết vấn đề này đã được giải quyết và hoạt động sản xuất đã được bắt đầu trên quy mô lớn.
Vaccine do hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech của Đức phối hợp phát triển cho hiệu quả bảo vệ lên tới 95% trong thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng. Vaccine được giới chức quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ngày 11/12 vừa qua.
Cố vấn hàng đầu của chương trình Triển khai chiến dịch tiêm chủng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tiến sĩ Moncef Slaouicho biết Chính phủ Mỹ đang tích cực đàm phán với Pfizer để đảm bảo thêm 100 triệu liều vaccine nữa.