Theo hãng tin AP, bệnh viện nơi ông Wilson làm việc chỉ có 25 giường bệnh, nhưng vẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, găng tay, vách ngăn giữa các hành lang và rửa tay sát khuẩn.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn này, ông Wilson đều biết họ tên của hầu hết các bệnh nhân của mình. Vào tháng 11, bác sĩ Wilson đã điều trị cho cha ruột của ông và cụ ông đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Tại Mỹ, đại dịch COVID-19 ban đầu chủ yếu tấn công các khu vực thành thị. Tuy nhiên, đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 vào mùa thu đã tàn phá các vùng nông thôn của Mỹ. Quốc gia này hiện có trung bình trên 170.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày, và đang lan rộng từ các bệnh viện lớn nhất đến những bệnh viện nhỏ, như Bệnh viện hạt Scotland.
Memphis có dân số 1.800 người, là một thị trấn xa xôi nằm giữa những cách đồng ngô rộng lớn của vùng đông bắc Missouri. Người dân trong vùng chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Khu vực này cũng rất xa các bến xe gần nhất, McDonald’s và Wal-Mart đều cách đó một giờ đi xe.
Chính bởi vậy, người dân từ 6 hạt xung quanh khu vực đều đến bệnh viện hạt Scotland để điều trị, thường là những chấn thương nhỏ khi làm việc trong nông trại, chơi thể thao, cảm cúm, đau ngực. Nhưng hiện tại, bệnh viện này đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng. Tại đây, chỉ có khoảng 6 bác sĩ và 75 y tá trong tổng số 142 nhân viên toàn thời gian. Trong khi đó, khu vực này đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các trường hợp mắc COVID-19. Các giường bệnh có sẵn tại bệnh viện cũng đã được sử dụng hết.
Cũng như nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ tại bệnh viện hạt Scotland đã phải đưa ra những quyết định khó khăn khi quyết định lựa chọn điều trị cho bệnh nhân nào. Bác sĩ Wilson cho biết một người mắc COVID-19 trong tình trạng trung bình đã không được điều trị, phải về nhà với bình oxy.
“Nếu tình trạng xấu đi, hãy quay lại. Chúng tôi không còn chỗ để điều trị và không có nơi nào để chuyển bệnh nhân đi”, ông Wilson nói.
Tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng cũng khiến bệnh viện phải kêu gọi bất kỳ ai có kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, kể cả người đã nghỉ hưu, đến hỗ trợ.
Trưởng phòng Điều dưỡng của bệnh viện, Elizabeth Guffey, cho biết các y tá phải làm thêm 24 giờ mỗi tuần. Khó khăn hơn là việc phải chứng kiến bạn bè và người thân chống chọi với bệnh tật khi phần lớn cộng đồng vẫn không coi trọng sức khỏe của mình.
“Chúng tôi luôn ở trong tình trạng tăng công suất gần như 100% thời gian. Chúng tôi dành phần lớn thời gian để chăm sóc những người bệnh nặng. Nhưng sau đó, chúng tôi ra ngoài và nghe mọi người nói rằng căn bệnh này là một trò lừa bịp hoặc nó không thực sự tồn tại,” Guffey nói.
Ông Glen Cowell là một trong số những người còn hoài nghi về loại virus này cho đến khi nó khiến ông ngã bệnh. Ở tuổi 68, Cowell vẫn làm việc trong trang trại rộng 500 mẫu Anh của mình gần Memphis và đủ sức khỏe để không cần uống thuốc hàng ngày. Ông bắt đầu cảm thấy sức khỏe yếu đi từ hôm 11/11 và có xét nghiệm dương tính 4 ngày sau đó, dần dần bệnh tình của ông cũng trở nặng hơn. Vào ngày 18/11, ông đến bệnh viện điều trị nhưng phải quay về nhà.
“Bệnh viện chỉ còn 1 chiếc giường trống. Tôi không nghĩ sức khỏe của mình tệ đến nỗi chiếm giường bệnh của người khác”, ông Cowell nói.
Nhưng ngay sau khi trở về nhà, ông cảm thấy khó thở và buồn nôn. Tệ nhất là ông đã sốt 40 độ. Ông tiếp tục được đưa đến bệnh viện cấp cứu và phải trải qua một thời gian dài điều trị.
Cowell không rõ mình đã nhiễm virus từ đâu. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mình đã không coi trọng việc phòng dịch.
“Tôi đã không tin đây là một căn bệnh nguy hiểm. Tôi khá mâu thuẫn về nó. Tôi đã không đeo khẩu trang khi đến nông trại và trở về nhà. Tôi thực sự không nhận thức được sự thật rằng COVID-19 có thể khiến mình ngã bệnh”, ông nói.
Brock Slabach, Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Y tế Nông thôn Quốc gia, có trụ sở tại ngoại ô Thành phố Kansas, cho biết hiện tại họ rất cần “không gian, nhân viên và thiết bị” để điều hành một bệnh viện nông thôn.
“Nếu bạn không có bất kỳ một thứ nào trong ba điều đó, bạn sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn. Nhiều bệnh viện thậm chí phải chống chọi với việc thiếu hụt cả ba điều kiện trên”, ông nói.
Một ngày, bác sĩ Wilson đã phải dành nhiều giờ đồng hồ để cố gắng liên hệ với một bệnh viện lớn hơn, có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc hiện đại để cứu một người đàn ông 50 tuổi mắc COVID-19 nặng. Nhưng vào thời điểm bệnh viện Đại học Iowa đồng ý tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ lo lắng ông không thể sống sót sau chuyến đi dài gần 200km.
“Tôi không chắc rằng việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Iowa sẽ tạo nên sự khác biệt. Đôi khi, mọi người bị bệnh nặng đến mức không thể qua khỏi và đó là thực tế những gì chúng ta phải đối mặt. Tuy nhiên, vẫn khá bực bội khi bạn ngồi đây mà không thể làm gì khác”, bác sĩ Wilson nói.