LHQ cảnh báo những yếu tố khiến nạn buôn người ngày càng trầm trọng

Ngày 23/1, Liên hợp quốc (LHQ) công bố Báo cáo Toàn cầu lần thứ 7 về nạn buôn người, trong đó ghi nhận có những bằng chứng cho thấy các thảm họa thời tiết liên quan biến đổi khí hậu và xung đột tiếp diễn tại Ukraine khiến vấn nạn này thêm trầm trọng.

Chú thích ảnh
Đoàn người nhập cư đi bộ trên đường cao tốc Huehuetan, Mexico ngày 7/6/2022. Ảnh: AP

Theo báo cáo, trong khi chưa có một phân tích toàn cầu có hệ thống về tác động của biến đổi khí hậu đối với nạn buôn người, thì các nghiên cứu cấp độ cộng đồng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới chỉ ra rằng "các thảm họa do thời tiết gây ra là nguyên nhân gốc rễ của nạn buôn người". Báo cáo do Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) thực hiện dựa trên dữ liệu từ 141 quốc gia, được thu thập từ năm 2017 đến năm 2020, và phân tích 800 vụ xét xử tại tòa án.

Báo cáo cho biết tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến ảnh hưởng "ở nhiều cấp độ" đối với hoạt động nông nghiệp, đánh bắt cá và đặc biệt với các cộng đồng nghèo khác chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên để kiếm sống.

Trong một cuộc họp báo, tác giả chính của nghiên cứu Fabrizio Sarrica giải thích, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng xảy ra chồng chéo, điều kiện sống khó khăn buộc nhiều người phải xa rời cộng đồng của họ, khiến họ dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người. Chỉ riêng trong năm 2021, hơn 23,7 triệu người đã phải di dời do các thảm họa liên quan đến khí hậu trong nước, trong khi nhiều người chọn di cư đến các quốc gia khác.

Theo báo cáo của LHQ, khi điều kiện sống tại các khu vực trên thế giới ngày càng sa sút, hàng triệu người sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột dọc các tuyến đường di cư. 

UNODC lưu ý rằng tình trạng gia tăng các trường hợp buôn người đã được ghi nhận ở Bangladesh và Philippines, sau khi các cơn bão và lốc xoáy tàn phá khiến hàng triệu người phải di dời. Hạn hán và lũ lụt ở Ghana và vùng Carribean - nơi hứng chịu bão và mực nước biển dâng cao - cũng buộc nhiều người phải di cư.

Theo báo cáo trên, xung đột tiếp diễn tại Ukraine cũng là một trong những nguyên nhân khiến nạn buôn người gia tăng. Lãnh đạo UNODC Ilias Chatzis nhấn mạnh cần tìm giải pháp đối với những thách thức bắt nguồn từ nạn buôn người gia tăng do xung đột và bất ổn. Ông Ilias cho rằng, việc giúp đỡ các nước láng giềng và tăng cường hỗ trợ cho chính quyền Ukraine cũng rất quan trọng. 

Ngoài ra, báo cáo cho thấy vào năm 2020, số nạn nhân liên quan các đường dây buôn người lần đầu tiên giảm trong 20 năm, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Theo báo cáo, tác động của đại dịch COVID-19 đã phần nào hạn chế nạn buôn người.

Cụ thể, số nạn nhân của nạn buôn người đã giảm 11% trong năm 2020. Theo lý giải của báo cáo, nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm trong dữ liệu này bắt nguồn từ 3 yếu tố khác nhau: cơ hội tiếp cận các nạn nhân thấp hơn, khả năng thực hiện hành vi buôn người bị ảnh hưởng do các hạn chế được áp dụng để chống dịch COVID-19, và một số hình thức buôn người diễn ra âm thầm, khó phát hiện hơn. 

Ngoài ra, trong bối cảnh nhà chức trách áp dụng biện pháp đóng cửa các địa điểm công cộng như quán bar và câu lạc bộ để chống dịch, một số hình thức buôn người, đặc biệt là buôn người vì mục đích tình dục, đã giảm 24%.

Hoàng Châu (TTXVN)
Cuba 'không khoan nhượng' với nạn buôn người
Cuba 'không khoan nhượng' với nạn buôn người

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong báo cáo quốc gia về nạn buôn người vừa công bố, Cuba khẳng định duy trì chính sách “Không khoan nhượng” đối với mọi hình thức buôn người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN