Trong báo cáo, IPCC cho rằng lượng khí thải trên toàn cầu sẽ cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu IPCC, Hoesung Lee, nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra ở thời điểm hiện tại có thể đảm bảo sự sống cho tương lai".
IPCC kêu gọi thế giới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%. Theo IPCC, việc khai thác những cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiên liệu hóa thạch hiện tại đến hết thời hạn sử dụng dự kiến mà không thu giữ khí thải carbon sẽ khiến thế giới không thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Các chuyên gia IPCC cũng cho rằng những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Do đó, mức mục tiêu 2 độ C có thể sẽ là một thách thức. Với những yếu tố không chắc chắn về mức độ thực hiện cam kết ở thời điểm hiện nay, ủy ban này dự báo nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Trong báo cáo, IPCC cho biết 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng...