Theo số liệu thống kê, từ tháng 8/2017, tình trạng bạo lực gia tăng đã khiến khoảng 740.000 người Rohingya vượt biên từ bang Rakhine của Myanmar trốn sang Bangladesh, nâng tổng số người Myanmar tị nạn tại các trại tị nạn Bangladesh lên hơn 900.000 người. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của LHQ, hiện vẫn còn khoảng 600.000 người Rohingya phải đối mặt với nguy cơ bạo lực nghiêm trọng tại Myanmar.
Trước đó, ngày 20/8, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và nhà chức trách Bangladesh đã bắt đầu tham vấn hơn 3.000 người Rohingya đến từ Myanmar để xác định các trường hợp có nhu cầu hồi hương. Đây là nỗ lực lần thứ 2 nhằm hồi hương người Hồi giáo Rohingya từng rời khỏi Myanmar sang Bangladesh gần 2 năm trước. Nhiều người tị nạn đã từ chối hồi hương do lo ngại sẽ có thêm bạo lực ở quê nhà
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ bắt đầu đợt hồi hương vì cần phải sàng lọc và thẩm tra tất cả các cá nhân. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hiện 80% người tị nạn Rohingya ở Bangladesh hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ lương thực của WFP. Cơ quan cứu trợ của LHQ đã chi 24 triệu USD mỗi tháng để hỗ trợ lương thực cho gần 900.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh. Nếu không có sự đóng góp tài chính liên tục của cộng đồng quốc tế, tình hình người tị nạn Rohingya ở Bangladesh càng trở nên tồi tệ.