UNHCR khuyến cáo không vội vã hồi hương người Rohingya

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nhận định cần lập lại hòa bình và ổn định tại bang Rakhine, miền Bắc Myanmar, trước khi người Rohingya từ Bangladesh trở về.

Người Rohingya tại khu vực Shah Porir Dwip ở gần Teknaf, Bangladesh ngày 22/10, sau khi rời bỏ nhà cửa tránh xung đột tại Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn UNHCR Adrian Edwards nhấn mạnh điều then chốt là việc hồi hương người Rohingya không thể tiến hành một vội vàng hay trong những điều kiện không bền vững.


Theo số liệu của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), trong tháng 11 vừa qua, khoảng 20.000 người Rohingya từ Myanmar vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, con số này đã hơn 270 người, nâng tổng số người Rohingya phải rời bỏ nhà cửa ở Myanmar chạy sang Bangladesh trốn bạo lực từ ngày 25/8 đến nay lên hơn 646.000 người.

Cùng ngày, Chính phủ Myanmar đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ công cuộc tái thiết và lập lại ổn định tại bang Rakhine. Trong một cuộc gặp với các cơ quan Liên hợp quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài, Bộ trưởng An sinh xã hội, cứu trợ và tái định cư Win Myat Aye công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển tại bang Rakhine với sự hợp tác của các doanh nghiệp tại nước này, gồm một số dự án trong các lĩnh vực xây dựng, thiết lập vùng kinh tế về nông nghiệp và chăn nuôi, phát triển công nghệ thông tin cũng như dịch vụ y tế,... Theo Bộ trưởng Win Myat Aye, đây là những nỗ lực của chính phủ nhằm chuẩn bị cho việc hồi hương những người Rohingya theo thỏa thuận giữa Myanmar và Bangladesh hồi tháng 11.


Trước đó, Chính phủ Bangladesh và Myanmar đã nhất trí bắt đầu công tác hồi hương cho người tị nạn Rohingya trong vòng 2 tháng tới, từng bước thực hiện thỏa thuận đã ký ngày 23/11 giữa giới chức hai nước, theo đó Myanmar sẽ tiếp nhận trở lại người Rohingya sau khi Bangladesh gửi cho phía Myanmar các thông tin cá nhân của người hồi hương.Cuối tuần qua, Bangladesh thông báo sau khi trở về Myanmar, người Rohingya sẽ sinh sống trong các lều trại tạm thời. Tuy nhiên, các thủ lĩnh người Rohingya khẳng định họ sẽ không trở về cho đến khi được công nhận đầy đủ quyền công dân và được bảo vệ.


Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine của Myanmar từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang này buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh. Xung đột và các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Việc hàng trăm nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ Bangladesh đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế và chỗ ở. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người sẽ được chấp nhận trở lại Myanmar, cũng như tiến trình hồi hương này sẽ kéo dài trong bao lâu.


TTXVN/Báo Tin tức
Bangladesh và Myanmar phối hợp với UNHCR hồi hương người Rohingya
Bangladesh và Myanmar phối hợp với UNHCR hồi hương người Rohingya

Ngày 25/11, Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali cho biết, nước này và Myanmar đã nhất trí đề nghị Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) hỗ trợ hồi hương hàng trăm nghìn người tị nạn Rohingya.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN