Phát biểu tại hội nghị, ông Guterres nhận định các nước chứng kiến những tác động của thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự tàn phá khắp thế giới, song con người vẫn chưa hành động đầy đủ và đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này. Ông Guterres đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. Theo ông, những quốc gia giàu có có trách nhiệm chung hỗ trợ các nước và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như các quốc đảo nhỏ, thích ứng và có khả năng ứng phó trước sự tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
COP 24 lần này cũng là cơ hội để các quốc gia, vốn đang đối mặt nhiều nguy cơ từ biến đối khí hậu nhất, như Fiji, Nigeria và Nepal đưa ra minh chứng của sự tác động từ biến đổi khí hậu đối với những nước này. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho rằng "chúng ta phớt lờ những bằng chứng hiển nhiên và trở thành thế hệ phản bội lại loài người".
Gần 200 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu có thời gian là 2 tuần tại Katowice để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C. Tuy nhiên, tình trạng biến đối khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với biện pháp đối phó của con người. Giới chuyên gia cảnh báo chỉ với mức tăng nhiệt độ là 1 độ C, Trái Đất bị "héo mòn" bới các trận cháy rừng, khô hạn nghiêm trọng và các siêu bão khiến mực nước biển dâng lên.
Một trong những tranh cãi tại hội nghị COP 24 là ngân sách tài chính hỗ trợ cho các nước phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà cam kết xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) khó có thể được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Washington khỏi hiệp định quốc tế này.