Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 7/5, khi doanh nhân nông nghiệp Ukraine Mykola Olytskyy hợp tác với một thương nhân thu mua ngũ cốc ở Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái nhờ quen biết lẫn nhau, ông Olytskyy cảm thấy có một tia hy vọng.
Ông Olytskyy điều hành một doanh nghiệp nông nghiệp ở Novolabun, thuộc vùng Khmelnytskyi phía Tây Ukraine, nơi trồng lúa mì, ngô và lúa mạch. Ông Olytskyy hy vọng việc bán ngũ cốc cho thị trường Ba Lan sẽ mang lại sự đảm bảo về tài chính.
Ông Olytskyy nói: “Việc bán hàng đến Ba Lan là cơ hội duy nhất để tạo ra lợi nhuận dù là nhỏ nhất. Nhờ các đối tác Ba Lan thu gom ngũ cốc ở biên giới, chúng tôi kiếm được 187 USD mỗi tấn".
Một thỏa thuận được Ukraine và Nga ký vào năm ngoái, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, về hành lang ngũ cốc ở Biển Đen đã được thực hiện không triệt để. Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua đường biển đã nhiều lần đi vào bế tắc. Điều này đã khiến giá ngũ cốc của Ukraine dao động đáng kể.
Việc vận chuyển ngũ cốc quy mô lớn từ Ukraine đến EU chỉ có thể thực hiện được sau khi xung đột với Nga nổ ra. Chỉ hơn một năm trước, Brussels đã bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine như một dấu hiệu của sự đoàn kết và là một nỗ lực để vực dậy nền kinh tế của Ukraine.
Tuy nhiên, vào ngày 7/4/2023, Ba Lan đã đơn phương áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc của Ukraine sau các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân ở Ba Lan vì giá giảm, mặc dù chính sách thương mại thường là đặc quyền của Brussels. Lệnh cấm này cũng nhanh chóng được áp dụng bởi Hungary, Slovakia, Bulgaria và cả Romania.
Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu đã chính thức hóa lệnh cấm trên, được áp dụng từ ngày 2/5 đến ngày 5/6 tới. Theo quy định mới, Kiev vẫn có thể sử dụng “thủ tục quá cảnh hải quan chung” để xuất khẩu ngũ cốc sang các nước EU khác hoặc bên ngoài khối, nhưng không thể bán các mặt hàng này cho 5 quốc gia trên.
Doanh nhân Olytskyy cho biết: “Thương nhân Ba Lan đã trả nhiều hơn khoảng 8,41 USD mỗi tấn so với các thương nhân Ukraine thu mua ngũ cốc đến cảng Odesa để xuất khẩu. Họ thanh toán bằng ngoại tệ, đây rõ ràng là một lợi thế và xuất khẩu sang Ba Lan là một nguồn thu nhập đáng tin cậy đối với chúng tôi".
Nhưng khi Ba Lan và các nước láng giềng khác ngừng nhập khẩu ngũ cốc, đây là một cú sốc đối với nông dân Ukraine. Ông Olytskyy bày tỏ sự thất vọng: "Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ to lớn mà Ba Lan đã cung cấp cho chúng tôi trong những thời điểm xung đột khó khăn này, nhưng bước đi trên giống như một 'nhát dao đâm sau lưng'".
Ngay sau khi Ba Lan đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine, những người thu mua trung gian Ukraine đã hạ giá. Ông Olytskyy hiện chỉ thu được số tiền khoảng 165 USD mỗi tấn. Do lệnh cấm nhập khẩu của EU, 12 đến 15 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái sẽ vẫn còn trong các kho chứa của Ukraine, Pavlo Martyshev, giảng viên của Trường Kinh tế Kiev dự báo.
"Điều này sẽ ảnh hưởng khá nặng nề đến nông dân Ukraine vì dự trữ tài chính của họ từ năm 2021 đã được sử dụng hết trong năm đầu tiên của cuộc xung đột. Bây giờ họ không có tiền", ông Martyshev nói.
Theo ông Martyshev, nền kinh tế tổng thể của Ukraine cũng đang bị ảnh hưởng vì phần lớn ngành công nghiệp phía đông của nước này đã bị phá hủy do xung đột. Kết quả là, "tỷ trọng xuất khẩu nông sản tăng từ 40 lên hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, vì vậy hai phần ba thu nhập ngoại hối của Kiev hiện phụ thuộc vào ngành này".
Đối với nông dân Ukraine, sự không chắc chắn trong mối quan hệ với các đối tác kinh doanh châu Âu thậm chí còn tồi tệ hơn những tổn thất tài chính hiện tại, Phó Chủ tịch Hội đồng nông nghiệp Ukraine, Denys Marchuk, cho biết.
"Nông dân của chúng tôi sản xuất ngũ cốc với giá cạnh tranh bất chấp xung đột, nhưng để chắc chắn, họ cần biết những quy tắc nào sẽ chi phối thị trường châu Âu", ông Marchuk nêu rõ, bày tỏ hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ ngăn chặn các quốc gia riêng lẻ phá hoại các quy tắc thương mại chung trong tương lai.
Theo nhà phân tích kinh tế Martyshev, căng thẳng với EU trong lĩnh vực xuất khẩu ngũ cốc sẽ càng làm suy yếu Ukraine. Điều này có nghĩa là Ukraine càng phụ thuộc nhiều hơn vào sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen đã được thống nhất với Nga.
Để gia hạn thỏa thuận, Nga đang gây áp lực để đạt được nhượng bộ chính trị. "Moskva thấy được điểm yếu của Kiev và chỉ nói về việc gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày", ông Martyshev nói. Trong khi đó, các thương nhân Ukraine phàn nàn rằng sự không chắc chắn này đang làm tăng chi phí bảo hiểm rủi ro và dẫn đến ít hợp đồng mua hàng hơn.