Theo hãng tin AP, Lầu Năm Góc nói đây là đoạn video ghi lại hình ảnh máy bay Nga xả nhiên liệu vào chiếc UAV của Không quân Mỹ và làm gãy một phần cánh quạt của UAV này khi nó bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen.
Theo đoạn video dài 42 giây này, một chiếc Su-27 của Nga tiếp cận phía sau chiếc MQ-9 và bắt đầu xả nhiên liệu khi UAV bay qua. Việc đổ nhiên liệu lên UAV dường như nhằm mục đích làm vô hiệu hóa các thiết bị quang học của UAV và xua nó ra khỏi khu vực.
Xem video do Lầu Năm Góc công bố:
Theo quân đội Mỹ, ở lần tiếp cận thứ hai, chính chiếc máy bay đó hoặc một máy bay chiến đấu khác của Nga đang theo dõi chiếc MQ-9 đã va vào cánh quạt của UAV này, làm hỏng một phần.
Quân đội Mỹ cho biết họ đã cho hạ cánh khẩn cấp chiếc MQ-9 Reaper trên mặt biển. Họ cho rằng máy bay chiến đấu của Nga đã chặn UAV một cách không an toàn.
Đoạn video do Lầu Năm Góc công bố không cho thấy các sự kiện trước hoặc sau khi máy bay Nga xả nhiên liệu xuống chiếc UAV.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết vụ việc xảy ra lúc 7 giờ 3 phút sáng 14/3 giờ Trung Âu trên vùng biển quốc tế và cách xa Ukraine. Ông nói các máy bay Nga đã bay gần chiếc UAV Mỹ trong 30 đến 40 phút.
Ông Ryder cho biết thêm rằng dường như không có liên lạc nào giữa hai bên trước khi va chạm.
Theo ông Ryder, Mỹ vẫn chưa tìm thấy chiếc UAV bị rơi. Các quan chức khác của Mỹ cho biết Mỹ không có tàu quân sự trong khu vực và có khả năng sẽ không tìm cách thu hồi xác chiếc UAV.
Các quan chức Mỹ cho rằng chiếc UAV này không còn giá trị quân sự ngay cả khi Nga tìm cách lấy được mảnh vỡ.
MQ-9 có sải cánh dài 20 mét, gồm trạm điều khiển mặt đất và thiết bị vệ tinh.
Về phần mình, Nga cho biết các máy bay chiến đấu đã không tấn công UAV Mỹ và tuyên bố UAV này đã rơi sau khi đột ngột chuyển hướng trên biển.
Khi được hỏi rằng liệu Nga có tìm cách thu hồi các mảnh vỡ của chiếc UAV này hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng quyết định tùy thuộc vào quân đội. Ông nói: “Nếu họ cho rằng cần phải làm như vậy ở Biển Đen vì lợi ích và an ninh của chúng tôi, thì họ sẽ làm”.
Trước đó, ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết Nga sẽ cố gắng thu hồi các mảnh vỡ của UAV Mỹ.
Nga và các nước thành viên NATO thường xuyên chặn máy bay chiến đấu của nhau, nhưng sự cố UAV nói trên đánh dấu lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một UAV Mỹ bị rơi xuống biển trong một cuộc chạm trán như vậy, làm dấy lên lo ngại rằng vụ việc có thể đưa Mỹ và Nga tiến gần hơn đến xung đột trực tiếp.
Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các chuyến bay nhằm thu thập thông tin tình báo của Mỹ gần Bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014.
Các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự hàng đầu của Mỹ và Nga đã điện đàm, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Các cuộc gọi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - Tướng Mark Milley, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng Nga - là những cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 10/2022.
Trong báo cáo về cuộc gọi với ông Austin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu đã cáo buộc Mỹ kích động vụ việc bằng cách phớt lờ các hạn chế về chuyến bay mà Điện Kremlin đã áp đặt liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Điện Kremlin lập luận rằng khi cung cấp vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã thực sự tham gia vào cuộc chiến. Nga cũng cáo buộc các bên tăng cường hoạt động tình báo chống Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng những hành động như vậy của Mỹ có nguy cơ làm leo thang tình hình ở khu vực Biển Đen, đồng thời cảnh báo rằng Nga sẽ đáp trả tương xứng với mọi hành động khiêu khích.
Ông Sergei Aksenov, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, cho rằng Nga nên hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt các chuyến bay do thám của Mỹ trong khu vực.