Lầu Năm Góc giải thích lý do khiến Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết quyết định gửi bom chùm cho Ukraine một phần là do thất vọng trước kết quả mờ nhạt của cuộc phản công mà Kiev đang thực hiện.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách Colin Kahl phát biểu trong cuộc họp giao ban tại Lầu Năm Góc ở Washington, D.C, ngày 7/7. Ảnh: AP

Theo đài RT (Nga), phát biểu ngay sau khi Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh chuyển giao đạn cải tiến thông thường có mục đích kép (DPICM) cho Ukraine, ông Kahl cho hay quyết định này bị ảnh hưởng bởi “tính cấp bách của thời điểm hiện tại”.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người Ukraine có đủ pháo để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh tiến hành cuộc phản công hiện nay, và cũng bởi vì mọi thứ đang diễn ra chậm hơn một chút so với mong đợi”, ông Kahl nói và thừa nhận Nga đã thiết lập hệ thống phòng thủ hiệu quả, có lẽ thành công hơn những gì đã được đánh giá.

Ông Kahl cho rằng bom chùm sẽ đóng vai trò là “cầu nối” cho đến khi Mỹ và các đồng minh có thể tăng cường sản xuất đạn pháo 155mm thông thường cho Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau nhiều tháng trì hoãn, cuộc phản công của Ukraine đã nổ ra vào ngày 4/6 với một cuộc tấn công vào các vị trí của Nga gần Donetsk. Bị pháo binh Nga áp đảo và thiếu sự hỗ trợ từ trên không, các lữ đoàn Ukraine do NATO huấn luyện đã tiến qua các bãi mìn do Nga thiết lập và hứng chịu thương vong nặng nề.

Trước những tuyên bố của Nga, ông Kahl tuyên bố rằng các lực lượng của Kiev vẫn đang “thăm dò các điểm yếu” trong mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Nga. Theo ông, phần lớn sức mạnh chiến đấu của Ukraine chưa được huy động.

Trước đó, theo một số thông tin trên truyền thông Mỹ trong 3 tuần qua, giới chức Mỹ đã thất vọng vì cuộc phản công không có tiến triển. Trong khi đó, các quan chức Ukraine tuyên bố rằng cuộc phản công thực sự vẫn chưa bắt đầu và đổ lỗi cho phương Tây không cung cấp đủ vũ khí để đảm bảo thành công.

Về phần mình, ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Washington, cho rằng quyết định gửi bom chùm trong đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev của Mỹ đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại và là một nỗ lực trong tuyệt vọng để ngăn chặn thất bại. Ông Antonov lưu ý Washington đang tiếp tục gia tăng nguy cơ trong cuộc xung đột. Đồng thời, ông cho hay động thái của Mỹ “thực sự vượt quá tiêu chuẩn, đưa nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới”.

DPICM là những hộp chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ. Các hộp có thể được thả từ máy bay, phóng từ tên lửa hoặc bắn từ pháo, hải pháo hoặc bệ phóng tên lửa.

Các hộp bom sẽ bung ra ở độ cao nhất định, tùy thuộc vào khu vực của mục tiêu và các quả bom nhỏ bên trong sẽ bắn ra khu vực đó. Chúng có chung một bộ đếm thời gian để phát nổ gần hoặc trên mặt đất, phát tán các mảnh đạn để tiêu diệt binh sĩ đối phương hoặc các phương tiện bọc thép như xe tăng.

Theo Liên minh Bom, đạn chùm (CMC), loại vũ khí này đã được sử dụng từ Thế chiến II và trong hơn 30 cuộc xung đột kể từ đó. Liên minh này cho biết lần gần đây nhất Mỹ sử dụng bom chùm là ở Iraq từ năm 2003 đến năm 2006.

Các lực lượng Mỹ bắt đầu loại bỏ loại đạn dược này vào năm 2016 vì mối nguy hiểm mà chúng gây ra cho dân thường,.

Bom chùm cũng đã bị cấm ở 123 quốc gia vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với người dân, trong đó bị cấm ở hầu hết các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Các loại bom chùm mà Mỹ dự kiến ​cung cấp cho Ukraine và lý do gây tranh cãi
Các loại bom chùm mà Mỹ dự kiến ​cung cấp cho Ukraine và lý do gây tranh cãi

Chính phủ Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong ngày 7/7, lần đầu tiên sẽ bao gồm bom chùm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN