Latvia - Quốc gia đang biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, có thể gọi Latvia là “quốc gia đang biến mất” bởi kể từ khi gia nhập EU đến nay nước này đã mất đi 1/5 dân số.

Ngày càng có nhiều người trẻ Latvia rời khỏi đất nước vì mục đích kinh tế. Nguồn: The National

Tờ Politico cho biết, ông Atis Sjanits, Đại sứ lưu động của Latvia, có một nhiệm vụ khác thường - không chịu trách nhiệm về mối quan hệ với một quốc gia khác - mà là về cộng đồng hải ngoại của Latvia. Công việc của ông là giải quyết vấn đề di dân được kích hoạt sau khi Latvia gia nhập EU. Dân cư nước này ồ ạt sang làm việc tại các quốc gia giàu có hơn như Anh, Ireland và Đức.

Năm 2000 dân số Latvia là 2,38 triệu người, còn hiện nay là 1,95 triệu. Theo thống kê của LHQ, không có quốc gia nào giảm 18,2% dân số như Latvia. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Sjanits cho biết: "Thực tế là chúng ta đang mất người dân một cách nhanh chóng. Latvia lại là một quốc gia có mật độ dân số thấp".

Rõ ràng, di dân vì mục đích kinh tế không phải là lý do duy nhất khiến dân số Latvia suy giảm. Tỉ lệ sinh thấp và tỷ lệ tử vong cao cũng là những nguyên nhân làm giảm dân số.

Theo ông Sjanits, điều này đe dọa khả năng tồn tại của Latvia. Nói một cách khác, nước này sẽ thiếu lính và thiếu nhân công. Nhà báo Otto Ozols, đồng thời là bình luận viên truyền hình nổi tiếng của Latvia, khẳng định: "Với tốc độ này, trong 50 năm tới, Latvia có thể không còn là một quốc gia nữa".

Tác động của cuộc khủng hoảng dân số Latvia là rất nghiêm trọng và được thể hiện rõ ở Latgale, khu vực nghèo nhất nằm ở phía Đông Nam, giáp biên giới với Nga. Mức lương trung bình của Latvia là 670 euro/tháng, còn ở Latgale mức lương chỉ bằng khoảng một nửa. Và đây là lý do để dân số khu vực này giảm nhanh chóng. Một số thanh niên đến thủ đô, nơi có khoảng 640.000 người sinh sống và điều này đã khiến dân số của Riga tăng nhẹ sau một thời gian dài suy giảm, nhưng mục đích chính của họ là để rời khỏi Latvia. Điều này quá dễ dàng vì biên giới thông sang các nước giàu có mở toang.


Nhìn chung, những người rời Latvia đều không muốn quay về, ngoại trừ để thăm người thân. Theo Cục Thống kê Trung ương Latvia, số lượng người trở về Latvia năm 2016 khoảng 40% so với con số 26 - 37% trong ba năm trước. Cô Irina Sivakova, 22 tuổi, đã rời Latvia đến Anh vài năm trước để thăm chị gái. Cô nói: "Tôi không muốn trở lại".

Tuy nhiên, Svetlana Lonska, đã quay trở lại Latvia mấy năm trước và hiện nay cô đang quản lý phòng tập thể hình Zumba rất thành công. Cô cho biết: "Nhiều người trẻ ở đây nghĩ rằng rất dễ kiếm được nhiều tiền ở nước ngoài. Tôi muốn giải thích với họ rằng việc kiếm sống ở nước khác khó khăn hơn họ tưởng". Cô cũng muốn nói với những người dân bản địa rằng cuộc sống đôi khi tốt hơn tiền bạc: "Tôi tự hào rằng tôi đã có thể tự tạo cho mình một cuộc sống ở quê hương. Điều này rất có nghĩa". Mặc dù vậy, cô thừa nhận: "Mọi người vẫn tiếp tục rời đi".

Công Thuận (TTXVN)
Không chịu trả tiền điện nước, 11 hoàng tử Saudi Arabia trả giá đắt
Không chịu trả tiền điện nước, 11 hoàng tử Saudi Arabia trả giá đắt

Giới chức Saudi Arabia đã bắt giữ 11 hoàng tử nước này sau khi họ biểu tình tại cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyad phản đối các biện pháp thắt chặt kinh tế bao gồm việc phải tự mình trả hóa đơn điện nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN