Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DPA |
Tại cuộc gặp ở thủ đô Tallinn của Estonia, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này của Pháp. Nhà lãnh đạo Đức cho biết hai nước đã đạt được sự nhất trí sâu rộng đối với kế hoạch nhưng cần phải phối hợp để đề ra chi tiết cho kế hoạch. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng và thân thiện.
Trước đó, ngày 26/9, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris, đưa ra cái nhìn khá sâu sắc về tương lai của châu Âu, kêu gọi EU hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quốc phòng, nhập cư, thuế và chính sách xã hội. Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần có ngân sách chung.
Bài phát biểu này ngay lập tức đã nhận được những phản ứng trái chiều tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Với các đề xuất "cải cách sâu rộng" EU cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối, ông Hans Michelbach - một nghị sĩ thuộc Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đồng minh với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Merkel, cảnh báo rằng những đề xuất này có thể biến EU thành một liên minh "chuyển đổi không có giới hạn".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Sigmar Gabriel, một thành viên thuộc của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ 2 trong cuộc bầu cử tại Đức vừa qua, đã ca ngợi bài phát biểu của ông Macron, cho rằng Tổng thống Pháp đã đưa ra đề xuất dũng cảm, mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên và một châu Âu ông Macron muốn là được cải cách, thúc đẩy và đoàn kết với sự trợ giúp của Đức.
Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang tập trung về Tallinn để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU về kinh tế kỹ thuật số. Thủ tướng Đức khẳng định châu Âu rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ và đang tiến hành ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới.