Lãnh đạo các nước thành viên nhất trí về chương trình nghị sự 'NATO 2030'

Ngày 14/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc sau 1 ngày họp tại Brussels, Bỉ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị lần này đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau những xáo trộn trong quan hệ giữa NATO và Mỹ dưới thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. 

Tại hội nghị, ông Biden nhắc lại cam kết của Washington đối với phòng thủ tập thể của NATO, sau khi người tiền nhiệm của ông cho rằng NATO là tổ chức "lỗi thời" và Mỹ có thể rút khỏi liên minh này. Ông Biden khẳng định "NATO hết sức quan trọng đối với chúng tôi". 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo báo chí của NATO, tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí về chương trình nghị sự "NATO 2030" -  một sáng kiến toàn diện về việc đảm bảo liên minh củng cố sức mạnh nội khối và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai. Theo chương trình nghị sự này, NATO sẽ tăng cường tham vấn chính trị và khả năng phục hồi của xã hội, củng cố năng lực phòng thủ và răn đe, nâng cao lợi thế công nghệ và phát triển "Khái niệm chiến lược" kế tiếp của liên minh để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào năm 2022.

Lãnh đạo các nước NATO cũng đã đưa ra các quyết định về những lĩnh vực hoạt động mới nhất: không gian mạng và không gian vũ trụ. NATO đã nhất trí về một chính sách phòng thủ mạng mới, trong đó thừa nhận không gian mạng luôn luôn bị tranh chấp và đảm bảo rằng khối có năng lực kỹ thuật vững mạnh, tham vấn chính trị và lập kế hoạch quân sự để giữ an toàn cho các hệ thống của NATO. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 14/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lãnh đạo các nước NATO cũng thảo luận về quan hệ với Nga, Trung Quốc. Theo đó, để ngỏ đối thoại chính trị với Nga nhưng vẫn theo dõi những động thái có thể đặt ra những thách thức từ nước này, trong khi xác định Trung Quốc là một thách thức đối với NATO. Tuy nhiên, có những ý kiến khác nhau giữa các nhà lãnh đạo về vấn đề này. Phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng giống như Nga, Trung Quốc cũng là một đối tác trong một số lĩnh vực    

Các nhà lãnh đạo NATO cũng nhất trí tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thông cáo báo chí nêu rõ Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc là các quốc gia mà NATO có kế hoạch tăng cường "đối thoại chính trị và hợp tác thực tế" nhằm thúc đẩy an ninh tập thể và hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Ngoài ra, lãnh đạo các nước NATO đã nhất trí về một kế hoạch hành động chung nhằm giảm thiểu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu vốn được coi là yếu tố làm tăng mối đe dọa đối với an ninh của liên minh này. NATO hướng tới tăng cường nhận thức, thích ứng và giảm nhẹ hậu quả biến đổi khí hậu. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, NATO sẽ đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các nội dung công tác, từ lập kế hoạch quốc phòng và tăng cường năng lực cho tới sự chuẩn bị và diễn tập dân sự. 

Lãnh đạo các nước NATO tái khẳng định cam kết đến năm 2024 dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Lan Phương (TTXVN)
Đức muốn NATO đối thoại với Trung Quốc
Đức muốn NATO đối thoại với Trung Quốc

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14/6, các nước NATO đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa răn đe và đối thoại, tương tự mối quan hệ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN