Lần đầu tiên trong lịch sử, ECB tăng lãi suất 75 điểm cơ bản một lần

Theo đó, ngày 8/9, lãi suất được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lên 1,25%/năm.

Chú thích ảnh
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là lần nâng lãi suất mạnh kỷ lục trên toàn khu vực đồng euro trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cố gắng kiềm chế lạm phát.

Hội đồng quản lý của ECB đã bỏ phiếu để tăng cả ba loại lãi suất chính thêm 75 điểm cơ bản, tương đương 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn chưa từng có.

Động thái này đẩy lãi suất tái cấp vốn chính của ECB lên 1,25%, tăng từ mức 0,5%, trong khi lãi suất cho vay cận biên mà các ngân hàng vay từ ECB phải trả đã tăng lên 1,25%.

Lãi suất tiền gửi qua đêm (thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng) tăng lên 0,75% từ mức 0%. Trước đó, lãi suất này ở mức âm cho đến tận cuối tháng 7, khi ECB bắt đầu tăng lãi suất.

ECB cũng có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất sau khi lạm phát đạt mức cao kỷ lục 9,1% vào tháng 8.

ECB cho biết: “Hội đồng quản lý đã đưa ra quyết định hôm nay và dự kiến ​​ tăng lãi suất thêm nữa, vì lạm phát vẫn còn quá cao và có khả năng ở trên mục tiêu trong một thời gian dài. Theo ước tính nhanh của Eurostat, lạm phát đạt 9,1% trong tháng 8. Giá năng lượng và lương thực tăng cao, một số ngành chịu áp lực từ mức cầu do nền kinh tế mở cửa trở lại và tắc nghẽn nguồn cung vẫn đang làm gia tăng lạm phát. Áp lực về giá tiếp tục gia tăng và lan rộng ra toàn nền kinh tế, lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới”.

ECB dự báo lạm phát năm 2022 sẽ là 8,1%, năm 2023 là 5,5% và năm 2024 là 2,3%.

Ông Seema Shah, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu tại công ty Principal Global Investors, nhận định: “ECB đã gia nhập câu lạc bộ 75 điểm cơ bản. Động thái tăng lãi suất chính sách hôm nay là mức tăng lớn nhất trong lịch sử của khu vực đồng euro. Động thái này diễn ra bất chấp cuộc suy thoái sắp xảy ra và là minh chứng cho mức độ nghiêm trọng của thách thức lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu phải đối mặt. Với lạm phát ở mức cao kỷ lục và lớn hơn gần 5 lần so với mục tiêu 2% của ECB và dự báo lạm phát tăng cao một cách không thể chịu nổi, ECB đã buộc phải hành động”.

Ông Thomas Verbraken, Giám đốc điều hành tại công ty MSCI Research, cho biết ECB hiện nhận thấy rủi ro lạm phát dai dẳng còn nghiêm trọng hơn cả suy thoái kinh tế. Ông nói: “Việc thắt chặt tiền tệ của ECB đã luôn đi sau, nhưng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản mang tính quyết định ngày hôm nay cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu cam kết giảm lạm phát”.

Tuy nhiên, ông Hinesh Patel, Giám đốc danh mục đầu tư tại Quilter Investors, nói rằng tăng lãi suất là hoạt động thứ yếu so với vấn đề lớn hơn là tính bền vững của nợ. Theo ông, ECB vẫn chưa có biện pháp gì để giảm nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công nữa.

Thùy Dương/Báo Tin tức (The Guardian)
Tăng lãi suất cơ bản khó có thể giải cứu đồng euro
Tăng lãi suất cơ bản khó có thể giải cứu đồng euro

Tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng lên nền kinh tế khu vực đồng tiền euro nghiêm trọng đến mức một động thái siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng không thể ngăn chặn đà trượt giá của đồng tiền này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN